Kiện toàn thể chế tạo động lực cho nền nông nghiệp phát triển bền vững
Theo đánh giá của các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa bền vững, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất hàng hóa nông sản còn thấp. Và, nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới là thể chế.
Tăng trưởng nông nghiệp có chiều hướng giảm dần
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp-Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), tăng trưởng nông nghiệp có chiều hướng giảm dần trong các năm gần đây, giai đoạn 2005-2010 tăng trưởng bình quân đạt 4,85%, giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 3,13%; năm 2015 GDP ngành chỉ đạt 2,41%, thấp nhất trong 5 năm qua. Sáu tháng đầu năm 2016 tăng trưởng – 0,18%, năm 2016 tăng trưởng ước đạt 1,2%.
Trong khi đó, năng suất lao động thấp, năm 2015 là 31,1 triệu đồng/lao động, bằng 39,2% năng suất lao động chung của nền kinh tế (79,3 triệu đồng/ lao động). Về cơ bản nền nông nghiệp nước ta vẫn dựa trên sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp. Việc giao đất cho các hộ nông dân sử dụng ổn định lâu dài đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chậm phát triển, thiếu liên kết, kết nối giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ sản xuất, thu mua, chế biến, phân phối, làm tăng chi phí trung gian, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp thấp. Năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp, vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội.
Ông Tiến cũng đánh giá, các chủ thể chủ yếu của nền nồng nghiệp như kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hệ thống các đơn vị cung ứng dịch vụ thiếu về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém…
Công nghệ sản xuất sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, bảo quản… còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hội nhập. Công nghiệp chế biến chậm phát triển, các sản phẩm chủ yếu chế biến ở dạng sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu còn rất thấp. Sản lượng và xuất khẩu gạo tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng thấp, đời sống người dân trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp hóa – đô thị hóa nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu liên kết kinh tế giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp.
Cùng với đó, đầu tư phát triển của toàn xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm từ 8,5% năm 2000 xuống còn 6,2% GDP năm 2010 và 5,98% năm 2011. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn cũng giảm, từ 21,5% năm 2006 xuống 21,3% năm 2010. Nếu tính riêng đầu tư từ ngân sách Nhà nước thì tỷ lệ giảm khá mạnh, từ 20% năm 1990 xuống 13,8% năm 2000; tiếp tục giảm xuống 7,5% năm 2005 và 6,45% vào 2008, đến năm 2010 chỉ còn là 6,26%. Thu nhập thấp, đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo ở vùng nông thôn (9,3%) cao hơn mức bình quân chung cả nước (4,5%).
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí ngày càng tăng, nhất là các vùng ven đô thị và khu công nghiệp.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tiến, thể chế phát triển nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Các chủ thể hộ nông dân, các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp còn yếu…; cơ chế, chính sách một thời gian dài chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hướng vào phân khúc sản phẩm chất lượng thấp, chế biến thô; các thể chế quan trọng liên quan như đất đai, tài chính tín dụng, thị trường, khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém, gây trở ngại. Các hình thức và thể chế liên kết giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ còn kém phát triển, thiếu sự liên kết về trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể, chưa tạo được các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững. Hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế có sự thiếu đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật hiện chưa đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn, chưa giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra…
Ngoài ra, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương trong phân bổ, điều tiết một số nguồn lực quan trọng; thiếu các cơ chế phối hợp vùng để đạt được hiệu quả lớn hơn trong đầu tư công.
Giải pháp nào hoàn thiện thể chế nông nghiệp?
Để khắc phục những tồn tại trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa của các hộ nông dân, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ. Người nông dân được đào tạo về hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất… có tinh thần hợp tác sản xuất kinh doanh, sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường…
Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mạnh hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến và dịch vụ trong nông nghiệp – nông thôn. Phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh theo chuỗi của từng loại sản phẩm, nhất là khi đi vào sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao. Nhà nước ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Ưu tiên và hỗ trợ phát triển mạnh các doanh nghiệp có liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các hộ nông dân tạo thành các chuỗi sản xuất kinh doanh bền vững. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Phát triển hệ thống tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, đa dạng các hình thức và tổ chức tín dụng ở nông thôn (Nhà nước, doanh nghiệp, tín dụng nhân dân…) để tăng quy mô vốn huy động cũng như cho vay; thông qua tổ chức Hội Nông dân, qua các tổ chức cộng đồng, tổ chức hợp tác để mở rộng phạm vi họat động cho thị trường tín dụng ở nông thôn, giảm chi phí giao dịch cho hệ thống ngân hàng. Mở rộng các hình thức bảo lãnh tín dụng, khắc phục tình trạng các hộ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp rất thiếu vốn sản xuất kinh doanh mở rộng quy mô phát triển sản xuất hàng hóa.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cần chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường. Trong quá trình hội nhập quốc tế, phải xây dựng các chính sách và giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp nước ta. Trong đó, chuyển từ hỗ trợ manh tính bao cấp trực tiếp sản xuất cho hộ nông dân, sang hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực của người sản xuất, phát triển cộng đồng, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện các biện pháp tự vệ, các biện pháp phi thuế quan, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực cho quá trình hội nhập quốc tế./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()