Kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Ảnh minh hoạ: Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cách chăm sóc lúa khi đưa giống mới vào sản xuất. (Ảnh: VIỆT HƯNG)
Theo Quyết định số 1794/QĐ-TTg ban hành ngày 20-12-2018, bảy thành viên mới được bổ sung, thay thế tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương mới về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Cụ thể, đồng chí Lê Quân, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng Ban thường trực, Ban Chỉ đạo Trung ương, thay đồng chí Huỳnh Văn Tí.
Đồng chí Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Tài chính làm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thay đồng chí Huỳnh Quang Hải.
Đồng chí Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, thay đồng chí Đinh Quế Hải.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo làm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, thay đồng chí Bùi Văn Ga.
Đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam làm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, thay đồng chí Lều Vũ Điều.
Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, thay đồng chí Nguyễn Thị Tuyết.
Đồng chí Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội được bổ sung tham gia thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.
Trước đó, theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” xác định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Mục tiêu tổng quát của Đề án cũng xác định, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng một triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã; Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế – xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Đề án cũng xác định mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, trong đó xác định giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo nghề cho sáu triệu lao động nông thôn, trong đó khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn được học nghề, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.
Ý kiến ()