Kiến tạo các di sản công nghiệp thành không gian văn hóa mới
Trong bối cảnh quỹ đất dành cho không gian công cộng tại các thành phố lớn ngày càng thu hẹp, kiến tạo các tổ hợp văn hóa sáng tạo mới từ chuyển đổi, tái sử dụng các cơ sở công nghiệp cũ góp phần cải thiện môi trường sống, tạo ra chuỗi sản phẩm, dịch vụ liên ngành, làm cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Khu tổ hợp Complex 01. Ảnh: Complex 01 |
Với thông điệp thiết kế sáng tạo đánh thức di sản công nghiệp, Hà Nội đang tiên phong thí điểm ý tưởng biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, khẳng định nguồn lực văn hóa từ cơ sở công nghiệp cũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số cơ sở sản xuất cũ trong nội thành như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu… được tạo dựng thành các không gian văn hóa nghệ thuật đã cho thấy tiềm năng của các tổ hợp vui chơi giải trí đa năng và những địa chỉ du lịch văn hóa kết hợp nghệ thuật biểu diễn, một không gian giáo dục về lịch sử, văn hóa phù hợp nhiều đối tượng…
Sân chơi sáng tạo trên nền di sản
Nhìn lại nhiều năm về trước, Hà Nội đã xuất hiện một vài mô hình chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo. Complex 01 nằm trên phố Tây Sơn là tổ hợp cộng đồng được tái thiết trên nền Nhà máy In Công đoàn. 282 Workshop tại phố Phú Viên được hình thành và hoạt động trong một nhà máy sản xuất mũ cối cũ của quận Long Biên. Dù đầu tư, cải tạo ở quy mô nhỏ, tự phát, gặp nhiều khó khăn trong vận hành bởi thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu kinh nghiệm trong phát triển chiến lược, nhưng những không gian được tái sử dụng này đã hình thành nên những cộng đồng sáng tạo, một điểm nhấn trong không gian đô thị và là điểm hẹn văn hóa thú vị. Tuy nỗ lực biến hình các di sản trăm năm thành không gian triển lãm, sắp đặt, trình diễn, trưng bày… nhưng những mô hình về tái tạo di sản công nghiệp trên cả nước vẫn còn manh mún, hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân do chưa có quy hoạch tổng thể cũng như hành lang pháp lý cho loại hình kiến trúc công nghiệp này.
Việt Nam đã từng có nhiều nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất là biểu tượng cho các giai đoạn phát triển của đất nước, lưu giữ dấu ấn văn hóa mỗi thời kỳ. Trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị, nhiều cơ sở công nghiệp đã bị phá dỡ, thay thế bằng các khu đô thị mới, chung cư, trung tâm thương mại mua sắm như Nhà máy Dệt Nam Định (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP Hồ Chí Minh), Nhà máy xi-măng Hải Phòng (Hải Phòng), Nhà máy nước Yên Phụ, Nhà máy dệt kim Đông Xuân, Nhà máy in Tiến Bộ, Nhà máy điện Yên Phụ, khu Cao-Xà-Lá (Hà Nội). Nhìn sang các quốc gia đi đầu về tái thiết di sản công nghiệp như Anh, Đức, Italia… họ đã chuyển đổi các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, bến cảng cũ thành các trung tâm văn hóa mới và địa chỉ du lịch hấp dẫn, mang lại giá trị kinh tế cao. Một số di sản công nghiệp được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hà Nội cũng đã áp dụng chuyển đổi mục đích sử dụng di tích Nhà tù Hỏa Lò thành điểm tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống yêu nước. Bên cạnh phần đất xây dựng tháp Hà Nội, thành phố bảo tồn, tu bổ phần diện tích của khu di tích Nhà tù Hỏa Lò thu hút du khách với nhiều tour tham quan, trưng bày thú vị.
Hiện nay, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh có nền công nghiệp phát triển sớm, quỹ công trình công nghiệp có giá trị xuất sắc và nổi bật về lịch sử và kiến trúc còn khá nhiều. Hà Nội có Nhà máy Bia Hà Nội-Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Nhà máy xe lửa Gia Lâm; Quảng Ninh có Nhà máy kẽm Quảng Yên. Thay bằng di dời hay xóa bỏ, chúng ta cần nhìn nhận lại giá trị của các công trình này để có phương án trùng tu, bảo tồn đúng cách, thì sẽ giữ được những đô thị lịch sử trong lòng thành phố hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý hiện nay đang là rào cản để bảo vệ các công trình này, bởi Việt Nam chưa công nhận công trình nào là di sản công nghiệp.
Trao cơ hội cho cộng đồng sáng tạo
Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 chưa có quy định về di sản công nghiệp; Luật Kiến trúc không có hướng dẫn về di sản công nghiệp cũng như đánh giá, lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị. Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam nhận định: Cần khẳng định di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc trong lịch sử văn minh nhân loại, một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.
Di sản công nghiệp là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam. Trên thế giới, mô hình chuyển đổi thành công các không gian sáng tạo đã có rất nhiều. Dù tham khảo hay “nhập khẩu” mô hình, cách làm của quốc gia nào, vấn đề tái thiết các không gian công nghiệp thành các khu liên hợp văn hóa, nghệ thuật sáng tạo đa ngành ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vấn đề về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, gia cố bảo đảm an toàn cho công trình và người tiếp cận. Không phải di sản công nghiệp nào cũng biến thành khu hoạt động nghệ thuật sáng tạo, nhưng trong bối cảnh cộng đồng sáng tạo đang “khát” không gian bền vững, thành phố đang có nhiều cơ sở công nghiệp cũ để không, nếu tận dụng, chuyển đổi, tái sử dụng các cơ sở cũ thích ứng sự phát triển của đô thị, thì đây là giải pháp vừa bảo tồn các công trình lịch sử, vừa kiến tạo nên những không gian mới phù hợp sự phát triển của đô thị hiện đại, tạo nền tảng, cơ sở hạ tầng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật…
Các cơ sở công nghiệp là tài sản giá trị nếu được bảo tồn và khai thác hiệu quả. Các nhà quản trị đô thị cần có tầm nhìn và tư duy mới để xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi thích ứng các cơ sở công nghiệp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên xem xét, bổ sung, thể chế hóa khái niệm di sản công nghiệp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi, Luật Kiến trúc bổ sung những hướng dẫn, đánh giá về loại hình công trình kiến trúc này. Theo ý kiến một số các chuyên gia kiến trúc, xây dựng, cần sớm nhận diện di sản công nghiệp, khảo sát, đánh giá bài bản, lập danh sách các cơ sở công nghiệp có giá trị di sản để đưa vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị, công bố giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp. Đối với những công trình có giá trị, tuy chưa được công nhận là di sản công nghiệp, cần có chính sách ứng xử phù hợp.
Giữ nguyên hoặc một phần để bảo tồn, cải tạo các di sản thành công viên, vườn hoa, trung tâm văn hóa, không gian nghệ thuật không chỉ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân mà còn thiết lập không gian hạ tầng cho công nghiệp văn hóa sáng tạo, mở ra cơ hội phát triển du lịch, giáo dục, âm nhạc, điện ảnh. Điều này cần sự quyết tâm của chính quyền địa phương, có giải pháp và hướng đi phù hợp với bối cảnh từng thành phố, để di sản công nghiệp tồn tại như một bảo tàng sống, mang đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực đặc sắc cho cư dân thành phố và khách du lịch. Khi chuyển đổi cơ sở công nghiệp thành hạ tầng cho hoạt động sáng tạo, đây sẽ là nguồn lực lớn để thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()