Kiên quyết xử phạt lao động xuất khẩu bỏ trốn
Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt 80-100 triệu đồng đối với hành vi hết hạn hợp đồng không về nước đã đem lại những kết quả khả quan, giảm mạnh số lượng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
|
Người lao động nghe phổ biến pháp luật trước khi xuất khẩu lao động. |
Chuyển biến rõ rệt
Báo cáo của các cơ quan chức năng cho biết: Hiện có khoảng 50.000 lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó, đông nhất là ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), với mỗi thị trường khoảng 15.000 người; kế đến là Malaysia khoảng 5.000 người, Nhật Bản khoảng 2.000 người… Các thị trường khác đều có lao động bỏ trốn tuy nhiên số lượng không nhiều.
Để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Nghị định, kể từ ngày 10/10/2013, người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị phạt từ 80 – 100 triệu đồng, bị cấm xuất cảnh từ 2 – 5 năm nếu có hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt NLĐ ở lại nước ngoài trái quy định. Nghị định 95 cũng quy định nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng tính từ ngày 10/10/2013 (tức đến hết ngày 10/1/2014), NLĐ sẽ được miễn xử phạt.
Tuy nhiên, Chính phủ đã gia hạn thời gian chưa xử phạt hành chính cho lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài nếu tự nguyện về nước trước 10/3/2014.
Cho tới thời điểm này, sau hơn hai tuần hết thời gian gia hạn, các cơ quan chức năng cho biết, Nghị định 95 đã có những tác động tích cực đến NLĐ, khiến tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại hai thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm là Đài Loan và Hàn Quốc giảm rõ rệt.
Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, trước khi có Nghị định 95, số lao động bỏ trốn phát sinh thêm bình quân từ 700 đến 1.100 người/tháng. Tuy nhiên, những ngày cuối cùng trước khi quy định xử phạt lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 80 – 100 triệu đồng có hiệu lực, lao động dồn dập làm thủ tục về nước. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Tham tán, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng đánh giá, phía Đài Loan rất hợp tác và tạo điều kiện tốt nhất cho lao động Việt Nam trở về nước. Cụ thể, nếu người lao động mất hộ chiếu sẽ cấp giấy thông hành hoặc làm thủ tục trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Đài Loan cũng hỗ trợ người lao động Việt Nam đòi khoản tiền lương bị chủ nợ, hoặc bị giữ lại.
Còn tại thị trường Hàn Quốc, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã thống kê được số lượng lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 18.000 người. Ông Nguyễn Hải Nam – Tham tán, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: “Sau khi có nghị định 95, số lao động tự nguyện về nước trước 10/3 lên tới khoảng 3.000 người, chiếm tới 15% tổng số lao động hết hạn hợp đồng không về nước tại Hàn Quốc”.
Áp dụng nghiêm túc quy định xử phạt
Theo ông Nguyễn Hải Nam, việc tiến hành xử phạt sau ngày 10/3 của các cơ quan chức năng mới là yếu tố quyết định có tiếp tục giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn hay không. Ông Nam nhận định, 85% số lao động bất hợp pháp còn lại tại Hàn Quốc chưa về vì muốn chờ xem sau 10/3/2014, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH sẽ xử phạt như thế nào. Vì vậy, các cơ quan quản lý lao động trong nước áp dụng nghiêm túc quy định xử phạt nếu không sẽ làm ‘bùng nổ’ việc phát sinh thêm người lao động bỏ trốn.
Ông Nguyễn Hải Nam cũng cho biết: Đối với việc tiến hành xử phạt lao động ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ quyết định xử phạt đối tượng lao động bất hợp pháp bị phía Hàn Quốc bắt trong các đợt truy quét. Trung bình mỗi tháng thường có từ 100 – 300 lao động bất hợp pháp bị bắt, Đại sứ quán sẽ thực hiện việc xử phạt hành chính ngay khi nhận được danh sách từ phía Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cũng cho rằng: Cả lao động hết hạn hợp đồng và chưa hết hạn hợp đồng đều đang chờ xem việc áp dụng luật vào thực tế. Vì vậy, cần phải nghiêm túc tiến hành xử phạt để duy trì những hiệu quả đang có.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khẳng định, đây là lần gia hạn thời điểm xử phạt hành chính với người lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài cuối cùng. Để xử phạt đúng và không bỏ sót đối tượng, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị cơ quan chức năng tại các nước có lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, lên danh sách các đối tượng, thông báo đến Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia đó. Đại sứ quán sẽ ra quyết định xử phạt với từng người lao động vi phạm. Khi quyết định này gửi về nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ gửi về các địa phương và địa phương có người lao động bị xử phạt sẽ thực thi biện pháp xử phạt. Quyết định xử phạt được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh và được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã. Số tiền xử phạt này được chuyển vào Kho bạc Nhà nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()