Kiên quyết xử lý sai phạm, vực dậy đơn vị yếu kém
Sau một thời gian khắc phục hạn chế, yếu kém, các đảng bộ xã ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có bước chuyển rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Hơn thế, việc Ban Thường vụ Huyện ủy kiên quyết xử lý, kỷ luật các chức danh chủ chốt không hoàn thành nhiệm vụ tại các xã nêu trên đã có tác động tích cực đến hầu hết các địa phương còn lại. Qua đó, rút ra nhiều bài học để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng.
Việc Huyện ủy Lục Ngạn tập trung khắc phục những biểu hiện suy thoái, yếu kém của tổ chức cơ sở đảng tại tám xã vùng cao trở thành đề tài được nhắc đến nhiều trong gần hai năm qua. Từ năm 2012 trở về trước, tình hình an ninh trật tự trong khu vực các xã vùng cao của huyện diễn biến phức tạp. Nhiều hộ dân không chấp hành việc di dời, rồi lấn chiếm đất, đồng thời thách thức các cơ quan chức năng. Nhiều vụ vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản diễn ra ngày càng nghiêm trọng… Chính một số cán bộ xã và người nhà cũng vi phạm, dẫn đến việc nể nang, cho qua và kéo theo hàng trăm hộ khác cùng vi phạm. Chấm điểm đánh giá hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở đối với tám xã vùng cao, kết quả là không xã nào vượt quá điểm 5/10, có xã chỉ đạt 2/10 điểm. Nghiêm trọng nhất là năm xã Sa Lý, Phong Vân, Kim Sơn, Tân Hoa, Phong Minh, từ lâu đã tồn tại một số cán bộ từ xã đến thôn năng lực yếu kém, thiếu ý thức trách nhiệm, ngại va chạm, không tự giác tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm nguyên tắc đảng và quy định quản lý hành chính… Từ đó nảy sinh hàng loạt vấn đề bức xúc: như tranh chấp đất đai, khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép…
Vấn đề đầu tiên Ban Thường vụ Huyện ủy ưu tiên thực hiện là kiện toàn đội ngũ cán bộ. 12 cán bộ, trong đó có hai bí thư đảng ủy, hai đồng chí là thường trực đảng ủy, một đồng chí phó bí thư, chủ tịch UBND xã bị cách chức, thôi chức; bảy người khác điều chuyển công tác. Quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Ngạn là thực hiện một cách quyết liệt, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của các đảng bộ cơ sở đang tiến hành chỉnh đốn phải hoặc là khắc phục yếu kém hoặc là tự đào thải.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn La Văn Nam nói ngắn gọn: Chấn chỉnh các đảng bộ yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm của Ðảng bộ huyện trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo để tập trung cho nhiệm vụ này. Tiếp đó, ba tổ công tác và năm tổ tăng cường thường trực tại năm xã trọng điểm được thành lập để giúp các đảng bộ xã củng cố, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát trong ba tháng liên tục. Có bảy nội dung được triển khai là công tác chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng ủy, điều hành của Thường trực HÐND, UBND, hoạt động của đoàn thể và tập trung giải quyết những vướng mắc, bức xúc ở địa phương; củng cố nền nếp hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; công tác phát triển đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên; kiện toàn đội ngũ cấp ủy, cán bộ, công chức xã; hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng cấp trên, gắn trách nhiệm của đồng chí huyện ủy viên phụ trách với cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát.
Ðồng chí Sầm Văn Hòi, Bí thư Ðảng ủy xã Tân Hoa, một trong những cán bộ chịu áp lực nhiều nhất trong quá trình chấn chỉnh nhớ lại: Năm 2010 – 2011, xã Tân Hoa là điểm nóng trong công tác di dân tái định cư, người dân không muốn chuyển đi cho nên đã có những hành động manh động, chống đối lực lượng chức năng, uy hiếp, đe dọa cán bộ xã. Nhiều đồng chí vì nể nang, ngại va chạm, cho nên không làm tròn trách nhiệm. Ðồng chí Sầm Văn Hòi khi đó mặc dù đã nghỉ công tác, nhưng được Huyện ủy quyết định gọi trở lại. Cùng với sự quyết liệt của lực lượng chức năng tỉnh, huyện, đội ngũ cán bộ xã đã từng bước tự củng cố, rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực. Kết quả đánh giá của Huyện ủy, sau hai năm yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, năm 2013, Ðảng bộ xã Tân Hoa đạt trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với đảng bộ những xã chậm chuyển biến, tập thể ban thường vụ, cấp ủy, người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, ý thức kém, Huyện ủy kiên quyết có biện pháp xử lý. Ðiển hình là xã Sa Lý, công tác củng cố không đạt mục tiêu đề ra, gây rất nhiều khó khăn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, cho nên Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định kỷ luật tập thể ban thường vụ, cách chức, cho thôi giữ chức, điều chuyển công tác một số cá nhân, đồng thời tăng cường cán bộ huyện xuống xã làm nhiệm vụ của cán bộ xã.
Những biện pháp quyết liệt như thế đã “vực dậy” các đảng bộ yếu kém, hạn chế; nhiều đảng bộ đã thực hiện tốt các quy định của Ðảng, chính quyền; thực thi công vụ có trách nhiệm hơn; công tác phối hợp, sâu sát cơ sở đều đặn hơn; vi phạm trong sinh hoạt đảng và thực thi công vụ giảm đáng kể… Ðiều đó cho thấy ở kết quả các mặt công tác năm 2013, trong số các tổ chức đảng được chấn chỉnh, củng cố, có 37 chi, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh; mười chi bộ, đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không còn tổ chức đảng yếu kém. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc cơ bản được giải quyết; ý thức, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên; dân chủ ở cơ sở được phát huy…
Tổng kết kinh nghiệm từ sau củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém, Huyện ủy Lục Ngạn rút ra sáu bài học, trong đó quan trọng nhất là bài học về công tác cán bộ, tiếp đến là các bài học về phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn củng cố tổ chức cơ sở đảng với củng cố hệ thống chính trị, tăng cường đoàn kết, nhất trí trong tập thể, đẩy mạnh sâu sát cơ sở cũng là những nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ việc, cần nắm vững yếu tố địa phương, dân tộc, dòng họ đối với mỗi tổ chức cơ sở đảng của đảng bộ cấp trên cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong việc xử lý sai phạm.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()