Kiên quyết xử lý sai phạm trong xuất khẩu lao động
Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), từ ngày 20-2, tạm dừng hoạt động cung ứng và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) đối với 14 công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và 11 công ty môi giới Đài Loan vì có hành vi vi phạm là cảnh báo mạnh mẽ cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Hoàng Kim Ngọc cho biết: Qua đợt kiểm tra phỏng vấn người lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (từ ngày 1 đến 11-1-2014), Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phát hiện nhiều lao động do các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam hợp tác với một số công ty môi giới Đài Loan đưa đi bị thu phí cao hơn so với quy định; bị giữ lại một phần tiền lương hằng tháng để làm căn cứ bảo đảm không đúng quy định của pháp luật; bị khấu trừ tiền ăn ở cao hơn hợp đồng công ty đã đăng ký… Với những sai phạm đó, Bộ LĐ-TB và XH đã tạm dừng có thời hạn hoạt động cung ứng lao động (từ 20 đến 60 ngày) đối với 14 công ty XKLĐ Việt Nam và tạm dừng việc xác nhận hồ sơ tiếp nhận lao động của Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan đối với 11 công ty môi giới Đài Loan, từ ngày 20-2. Trước đó, ngày 18-2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có văn bản yêu cầu 25 doanh nghiệp trên không tổ chức tư vấn, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo lao động và không triển khai việc hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan trong thời gian bị tạm dừng để rà soát, chấn chỉnh và báo cáo Cục để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Việc chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan đã được Bộ LĐ-TB và XH triển khai từ đầu năm 2012. Trong năm 2013, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã tạm dừng hoạt động của 18 công ty XKLĐ vì thu phí của người lao động sai quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động sang Đài Loan làm việc vẫn đang phải chịu các chi phí cao hơn so với quy định. Các công ty XKLĐ Việt Nam và công ty môi giới Đài Loan luôn tìm mọi cách “lách luật” để thu phí cao hơn, người lao động thường phải chịu mức phí 6.000 đến 6.500 USD, trong khi Bộ LĐ-TB và XH quy định tổng chi phí đi làm việc tại Đài Loan không quá 4.500 USD. Đây cũng là thị trường có tỷ lệ người lao động vi phạm hợp đồng, ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp cao chỉ sau Hàn Quốc… Tình trạng nêu trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến việc phát triển thị trường xuất khẩu lao động, gây thiệt hại cho người lao động.
Trong những năm qua, Đài Loan là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam, khi luôn tiếp nhận hơn 50% số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Năm 2013, đã có hơn 46 nghìn lao động sang Đài Loan làm việc, chiếm hơn 50% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Đặc biệt, việc Đài Loan tạm dừng tiếp nhận lao động Phi-li-pin sang làm việc trong thời gian tới, có thể coi là cơ hội tốt cho người lao động Việt Nam. Năm 2014, Bộ LĐ-TB và XH cũng quy định chi phí đi làm việc tại Đài Loan sẽ giảm xuống không quá 4.000 USD và sẽ xem xét điều chỉnh chi phí giảm dần theo từng năm để tạo điều kiện cho người lao động. Theo bà Hoàng Kim Ngọc, quyết định tạm dừng để chấn chỉnh hoạt động cung ứng và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan đối với một số công ty XKLĐ và công ty môi giới “thể hiện sự kiên quyết trong việc tạo dựng môi trường xuất khẩu lao động tốt hơn trong thời gian tới”.
Hiện nay, tình trạng vi phạm trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài diễn ra khá phổ biến không chỉ riêng thị trường lao động Đài Loan. Hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, các doanh nghiệp XKLĐ nếu vi phạm có thể bị xử phạt tới 200 triệu đồng.
Ngoài ra, để chấn chỉnh tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, ngày 27-1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP. Theo đó, hạn cuối cùng để áp dụng xử phạt tiền đối với lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn là ngày 10-3-2014. Sau thời hạn này, nếu những lao động Việt Nam không tự nguyện về nước thì sẽ áp dụng phạt tiền quy định tại Điều 35 của Nghị định 95 với mức phạt lên tới 100 triệu đồng.
Thêm vào đó, Bộ LĐ-TB và XH cũng ban hành Thông tư số 21/2013/TTBLĐTBXH quy định mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động. Nếu người lao động vi phạm hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc sẽ bị trừ vào tiền ký quỹ…
Có thể nói, với những biện pháp quyết liệt này, hy vọng những vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được xử lý nghiêm minh. Đây cũng là biện pháp bảo vệ tốt hơn cho người lao động, nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời cũng là “cây gậy” chống cho người lao động phát hiện, dũng cảm tố cáo các đơn vị, cá nhân sai phạm.
các công ty có hành vi vi phạm trong xklđ 14 công ty XKLĐ Việt Nam bị xử phạt: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam (Vinagimex), Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex), Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom (Vietcom Human), Công ty cổ phần hữu nghị Bắc Giang, Công ty vận tải biển và xuất khẩu lao động (Isalco), Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor, Công ty Phu Tho Co, Công ty đào tạo và cung ứng nhân lực Letco, Trung tâm hợp tác nhân lực quốc tế (Emico), Công ty cổ phần Simco Sông Đà, Công ty cổ phần nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng (Song Hong Im), Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế Polimex, Công ty Vimc Co, Công ty Cienco 8.
11 công ty môi giới Đài Loan bị tạm dừng hoạt động: Công ty Chính Cách, Công ty Tam Hòa, Công ty Triển Lâm, Công ty Hâm Thụy, Công ty Liên Dương, Công ty Điền Gia, Công ty Lợi Thiên, Công ty Nam Á, Công ty An An, Công ty Lực Thông, Công ty Vịnh Ngạn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()