Kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm mỏ khai thác đá trái phép
LSO-Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó nổi lên là khai thác đá làm thiệt hại về người và tài sản, gây bức xúc dư luận. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân chính là do ý thức của người lao động trực tiếp và các chủ cơ sở khai thác khoáng sản chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình, kỹ thuật trong khai thác khoáng sản. Mặt khác, công tác quản lý của các cấp, các ngành chưa được thường xuyên, chưa kiên quyết xử lý các hành vi khai thác không tuân thủ pháp luật, quy trình kỹ thuật, an toàn lao động, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Hiện trường điểm khai thác đá trái phép ở xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng |
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 40 điểm mỏ khai thác đá được cấp phép còn hiệu lực, tập trung chủ yếu ở các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và Cao Lộc. Ngoài những điểm mỏ được cấp phép ra vẫn còn tồn tại một số điểm khai thác đá trái phép (khai thác theo kiểu thổ phỉ) của cá nhân, hoặc nhóm người ở những nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản này; mặt khác còn có hiện tượng một số mỏ đá đã hết hiệu lực khai thác, chưa được gia hạn cấp phép nhưng vẫn lén lút tiến hành khai thác nhằm thu lợi nhuận cho đơn vị. Những điểm khai thác trái phép không những gây lãng phí tương đối lớn nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia, đồng thời còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động… Cụ thể, trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng trong việc khai thác khoáng sản (trong đó chủ yếu là khai thác đá). Gần đây nhất là vụ tai nạn lao động xảy ra vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 22/6/2013 tại mỏ khai thác đá tự phát thuộc địa phận thôn Lay I, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng làm chết 2 người và bị thương 2 người. Vụ việc càng làm nổi lên những bức xúc, lo ngại về việc mất an toàn lao động tại các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt tại các điểm mỏ khai thác đá vôi trái phép. Hàng năm, qua công tác thanh kiểm tra về an toàn lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với các doanh nghiệp chế biến khai thác khoáng sản thì đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá chưa quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ cho người lao động. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra 17 doanh nghiệp (trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp khai thác đá) trên địa bàn huyện Hữu Lũng, đã phát hiện có tới 12 đơn vị không cấp, hoặc cấp không đầy đủ các loại trang thiết bị bảo hộ lao động, không lập hồ sơ và tiến hành kiểm định các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hệ thống chiếu sáng bảo vệ khu vực sản xuất, kho bảo quản vật liệu nổ không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra chập, cháy… Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai khoáng, đồng thời kiên quyết xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép. Theo ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Trong 6 tháng đầu năm 2013, sở đã trình UBND tỉnh ký quyết định thực hiện đóng cửa mỏ đối với 25 mỏ khoáng sản đã hết thời hạn cấp phép khai thác. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản không phép vẫn có diễn biến rất phức tạp, nhất là khai thác đá làm vật liệu xây dựng với thời gian khai thác ngắn, nhanh, vào thời điểm gần sáng… để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Nhằm tiếp tục chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là việc khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, trong đó có khai thác đá dẫn tới nguy cơ gây mất an toàn lao động; ngày 05/7/2013, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 633/UBND-KTN chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn và đảm bảo an toàn lao động trong khai thác khoáng sản. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện, kiên quyết xóa bỏ ngay các điểm mỏ khai thác khoáng sản tự phát, trái phép trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. UBND cấp huyện, xã nghiêm túc thực hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản. Khi xảy ra các vụ tai nạn phải khẩn trương xử lý, khắc phục hậu quả và báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc đảm bảo an toàn lao động đối với các mỏ khai thác khoáng sản đã được cấp phép hoạt động; đặc biệt về các vấn đề khai thác theo thiết kế mỏ, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, phòng chống cháy nổ và liên quan đến an toàn lao động. Kiên quyết xử lý đối với các đơn vị không tuân thủ nghiêm túc quy trình, kỹ thuật khai thác, không giáo dục về an toàn lao động, không trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo hộ và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật liên quan. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra toàn diện các cơ sở hoạt động khoáng sản trên địa bàn trong thời gian tới.
Ý kiến ()