Kiên quyết thu hồi tài sản từ tham nhũng
Tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu đã bấm nút thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Một vấn đề được đề cập cụ thể, sâu sắc là cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Ðây là những nội dung công việc, những vấn đề quan trọng và ngày càng trở nên “nóng” hơn khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo ngày càng đi vào chiều sâu, được nhân dân quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều thách thức đang được đặt ra bởi tính chất, mức độ của các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ngày càng tinh vi, phức tạp, số lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát có dấu hiệu ngày càng lớn.
Thực tế công tác thu hồi tài sản từ tham nhũng, phạm tội mà có đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng khẳng định hiệu quả, hiệu lực của công cuộc phòng, chống tham nhũng, đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm của Ðảng và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ðáng chú ý, Bộ luật Hình sự còn thiếu những quy định về tội phạm mà trong đó tham nhũng ẩn nấp, như: hành vi làm giàu bất chính, nhận quà biếu có giá trị lớn… Các quy định pháp luật về kê khai, kiểm soát tài sản hiện hành chưa đủ cơ sở làm căn cứ khẳng định tài sản tham nhũng. Việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức, kê khai mới chỉ dựa vào sự tự giác, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động xác minh bản kê khai. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội diễn ra trước thời gian điều tra đã lâu, đối tượng phạm tội đã sử dụng hết số tiền bất chính, thủ đoạn che giấu tài sản tinh vi, nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền hoặc tẩu tán ra nước ngoài, gây khó khăn cho việc xác định, thu hồi tài sản. Cách tính tỷ lệ tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng chưa thống nhất, dẫn đến việc thống kê, thu hồi tài sản chưa chính xác và đầy đủ.
Để giải quyết và khắc phục những trở ngại, khó khăn trong thu hồi tài sản từ tham nhũng, nhất là tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, tăng cường ký các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, trong đó có hợp tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có; xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thực hiện thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài. Ðể góp phần xử lý “tận gốc rễ” tội phạm tham nhũng, cần tiếp tục nghiên cứu việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Bên cạnh đó, nghiên cứu để có các biện pháp tạm thời, như: phong tỏa tài khoản, niêm phong và tạm giữ tài sản nhằm ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng, tiêu hủy tài sản thuộc diện bị tịch thu… Cần thực hiện nghiêm túc, khẩn trương công tác kiểm tra nhằm đánh giá đúng tình hình thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; làm rõ những hạn chế, khó khăn vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Từ đó, tìm ra những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới. Không chỉ như vậy, thông qua công tác kiểm tra để tìm ra những sơ hở, bất cập trong chính sách pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Thu hồi tài sản từ tham nhũng, phạm tội, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm…
Ý kiến ()