Kiên quyết không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực cao nhất đạt mức tăng trưởng đề ra
Ngày 1-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, trực tuyến với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội sáu tháng qua, bàn nhiệm vụ sáu tháng cuối năm. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, đề cập vấn đề khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường biển một số tỉnh miền trung sau khi Formosa thừa nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ: Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Tài chính, Tài nguyên và Môi trường có chính sách hỗ trợ ngư dân; sử dụng tiền đền bù để hỗ trợ chương trình đánh bắt xa bờ tại khu vực này tốt hơn; phục hồi môi trường, hỗ trợ lãi suất cho người dân, trong đó cũng phải coi trọng vấn đề hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu Formosa tái diễn sự cố môi trường thì phải đóng cửa, xử lý nghiêm, do đó cần thay đổi công nghệ xử lý xả thải để không tái diễn thảm họa. Thủ tướng cho rằng, qua sự việc này cần coi trọng hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sống cho người dân, không phải vì kinh tế mà chúng ta bỏ qua môi trường, nhất là với một số dự án người dân đang kêu ca, phàn nàn hiện nay như ở sông Hậu, bởi vùng hạ du sông Hậu rất lớn, nếu bị ô nhiễm thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó phải tính toán, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ các dự án, không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường, cũng như phải sử dụng hiệu quả số tiền Formosa đền bù.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, chúng ta phải phục hồi đà tăng trưởng sản xuất nông nghiệp trong quý III và IV-2016; cần chỉ đạo đẩy mạnh khai thác dầu thô; ngành công thương đẩy mạnh xuất khẩu, tăng tiêu thụ nội địa và thị trường biên mậu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; kiểm soát giá; xây dựng các chương trình trợ giúp các tỉnh miền trung sớm… Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cần có giải pháp huy động nguồn lực trong dân vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho khởi nghiệp; tái cơ cấu các ngành nghề, nhất là chú trọng phát triển các DN vừa và nhỏ; kiểm soát đầu tư và chi tiêu công. Cần chú trọng giải quyết tình trạng phân bón giả. Đối với khắc phục hậu quả ô nhiễm biển miền trung, việc bồi thường thiệt hại cho người dân phải bảo đảm đúng, chính xác với thiệt hại thực tế, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất, để đạt mức tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô thì cần tăng xuất khẩu, tăng tiêu dùng nội địa. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp rà soát quy hoạch sản xuất, sản phẩm, gắn với kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, các ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc xả thải của các cơ sở sản xuất. Tăng cường kiểm soát môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm, tăng cường lắp đặt các hệ thống quan trắc các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ còn lại của năm 2016 mà Trung ương và Quốc hội đã giao; khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, phục vụ người dân và DN. Chính phủ và các bộ, ngành tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý. Chính phủ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trên tinh thần cải cách thể chế, tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho, tránh cục bộ, lợi ích nhóm trong hành động và chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm; coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng. Các ngành, địa phương đều phải có đề án xã hội hóa để phục vụ người dân và DN.
Thủ tướng lưu ý, nền kinh tế chúng ta đang tồn tại nhiều điểm yếu, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm có yếu tố khách quan nhưng có cả chủ quan do chỉ đạo điều hành, dẫn tới tình trạng tăng trưởng chậm, thể hiện ở mức giải ngân thấp. Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải hành động quyết liệt, ưu tiên xử lý các điểm nghẽn, tạo lập nền tảng vững chắc trong dài hạn. Trước mắt, Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tinh thần chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là huy động cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng DN, nhân dân kiên quyết không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, dám nghĩ dám làm, đạt mức cao nhất mục tiêu đề ra. Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng yêu cầu, chấn chỉnh những vi phạm, nhất là vi phạm mua sắm và sử dụng tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên trái phép… Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị. Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về đơn vị mình. Ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế. Từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả thực thi công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng phát triển bền vững. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tập trung hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp; làm tốt công tác an sinh xã hội, ổn định xã hội. Mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng tiêu dùng nội địa. Điều hành chủ động, linh hoạt hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ-tài khóa, có chính sách huy động vốn trong dân; kiềm chế lạm phát. Giải quyết tốt bài toán nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thông qua tái cơ cấu. Do đó, từng bộ, ngành, địa phương phải đặt ra chương trình hành động cụ thể về tái cơ cấu, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ngoài ngành. Khuyến khích khởi nghiệp, tháo gỡ mọi rào cản với DN. Do đó, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT theo dõi các chính sách đối với DN, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc đối với các DN. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích lúa hè thu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm; Bộ Công thương có giải pháp hỗ trợ công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển, mở rộng thị trường nội địa, mở thêm các kênh phân phối; kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên; tăng diện phủ BHYT toàn dân lên hơn 90% vào năm 2020…
Thủ tướng lưu ý, các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan trước mọi biến động của tình hình thế giới, chủ động ứng phó mọi tình huống. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân để xảy ra sự cố môi trường như vừa qua để rút kinh nghiệm chung, không để xảy ra sự cố tương tự…
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()