Kiên quyết khắc phục việc phát triển đô thị tự phát, không theo quy hoạch
"Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối thoại chính sách phát triển đô thị” là chủ đề chính tại Hội nghị thường niên 2014 Diễn đàn Đô thị Việt Nam do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 27/6, tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị ( Ảnh: Đ D) |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng– Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Diễn đàn đô thị Việt Nam; Phạm Xuân Đương – Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; cùng đại diện các Bộ, ngành; các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Diễn đàn đô thị Việt Nam, đồng chí Phạm Xuân Đương – Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định: Đô thị Việt Nam đã phát triển và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị từ 12-15% hàng năm ( cao gấp 1,5 – 2 lần so với mặt bằng chung cả nước), các đô thị lớn đóng góp 70-75% trong vơ cấu GDP cả nước. Năm 2013, 5 thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp 307 nghìn tỷ đồng, đạt 52,6%; 770 đô thị đóng góp khoảng 427 nghìn tỷ đồng, chiếm 72% GDP của cả nước. Hệ thống đô thị còn tạo ra sự liên kết, hình thành các cực tăng trưởng và phát triển của các vùng, miền và các trục hành lang kinh tế, hỗ trợ cho các khu vực còn hạn chế phát triển, các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.
Theo đồng chí Pham Xuân Đương, quá trình đô thị của Việt Nam sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh trong 10-15 năm nữa, và từ năm 2020 – 2025, dự kiến 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị. Quá trình đó đòi hỏi Việt Nam phải sớm nhìn nhận và hoạch định các chính sách để phát huy được vai trò của đô thị, đồng thời hạn chế những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển.
Là một diễn đàn mở, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi, phân tích những mặt tích cực và hạn chế của chính sách phát triển đô thị.
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Định Dũng thừa nhận: Những năm trước đây, chính sách phát triển đô thị chưa đồng bộ, chưa đổi mới theo sự đòi hỏi của thực tiễn và xu hướng phát triển chung. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành, Bộ Xây dựng đã và đang nỗ lực, quyết liệt đổi mới thể chế, chính sách để phát triển đô thị chất lượng, hiệu quả và bền vững; kiên quyết khắc phục việc phát triển đô thị tự phát, phong trào, không theo quy hoạch và kế hoạch.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, phát triển đô thị là vấn đề khó. Ngoài việc phải huy động nhiều nguồn lực, cần vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, để tránh thất thoát, lãnh phí các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực đất đai. Cùng với việc phát triển đô thị, cần quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội để những người nghèo, người thu nhập thấp trong đô thị có cơ hội tiếp cận nhà ở. Ngoài ra, cũng cần phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của những người thu nhập cao, Việt kiều, người nước ngoài…
Diễn đàn đô thị Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động năm 2003, với mục tiêu “Thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các nhà tài trợ nhằm đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý và phát triển đô thị, thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam”. Sau 11 năm hoạt động, Diễn đàn đô thị Việt Nam đã quy tụ được hơn 100 thành viên. Diễn đàn đô thị đã và đang góp phần đổi mới, xây dựng chính sách đồng bộ cho việc phát triển đô thị Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống đô thị Việt Nam đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cả nước đã có hơn 770 đô thị với dân số đô thị chiếm hơn 33% tổng dân số cả nước. Nhiều đô thị đã được xây dựng khang trang, đồng bộ, diện mạo có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, khó khăn và thách thức trong phát triển đô thị còn rất nhiều như: Phát triển thiếu đồng bộ, chưa có kế hoạch toàn diện; sự phối hợp, phát triển liên vùng còn khó khăn. Công tác đầu tư xây dựng còn tự phát, thiếu kế hoạch trung và dài hạn, chưa chủ động trong định hướng các nguồn lực đầu tư của xã hội. Chưa có nhiều mô hình khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong việc cung cấp các dịch vụ và hạ tầng đô thị. Vai trò chỉ đạo định hướng và khả năng đáp ứng của chính quyền nhiều nơi còn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển nhanh và liên tục. Ngoài ra, đô thị Việt Nam cũng đang phải thường xuyên đối mặt với những thách thức do sự biến đổi của điều kiện tự nhiên, khí hậu, nước biển dâng, những yêu cầu đặt ra về phát triển bền vững …
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()