Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường
Lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra hệ thống xả thải. Ảnh: NGÔ PHONG Ngày 29-11-2006, Bộ trưởng Công an đã ban hành Quyết định thành lập Cục Cảnh sát môi trường thuộc Tổng cục Cảnh sát (nay là Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm), và quyết định thành lập Phòng Cảnh sát môi trường tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc ra đời lực lượng Cảnh sát môi trường thể hiện rõ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội.Mặc dù thời gian đầu mới thành lập còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) đã nỗ lực khắc phục, vừa ổn định tổ chức, vừa triển khai các mặt công tác nghiệp vụ để phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Qua 5 năm,...
|
Mặc dù thời gian đầu mới thành lập còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) đã nỗ lực khắc phục, vừa ổn định tổ chức, vừa triển khai các mặt công tác nghiệp vụ để phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Qua 5 năm, lực lượng Cảnh sát môi trường đã điều tra, khám phá 18.400 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 196 tỷ 426 triệu đồng, yêu cầu truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 150 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 533 vụ với 834 bị can.
Những năm qua, vừa xây dựng lực lượng, vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa tổ chức đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đã từng bước trưởng thành cả về tổ chức và năng lực công tác. Qua công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện các thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để kịp thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp tăng cường chấn chỉnh công tác này. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được xây dựng và hoàn thiện, phục vụ ngày càng hiệu quả cho công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, trong đó có nhiều văn bản quan trọng được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, như Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Nghị định số 72/2010/NĐ-CP về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 24/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường…
Đặc biệt, cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương và quần chúng nhân dân vào cuộc, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc hỗ trợ lực lượng Cảnh sát môi trường đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Nhiều vụ án mà lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện và xử lý trong thời gian qua là từ tin báo, tố giác tội phạm của các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân. Đã hình thành được hệ thống chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường từ trung ương đến địa phương, có đội ngũ cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung và hăng hái trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng được các ngành, các cấp và xã hội ghi nhận.
Hoạt động của Cảnh sát môi trường bước đầu đã góp phần giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, hủy hoại môi trường gây bức xúc trong nhân dân, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài và cản trở hoạt động của doanh nghiệp, làm chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực, ngành nghề đã được quan tâm, chấn chỉnh và đẩy mạnh. Nhiều công trình về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải được quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đầu tư được mạnh dạn hủy bỏ hoặc di dời vì các yếu tố gây bất lợi cho môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, tăng cường vốn cho công tác xử lý chất thải. Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành liên quan ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Đã cơ bản hình thành được mối quan hệ phối hợp thường xuyên với các đơn vị, các lực lượng trong và ngoài ngành, bước đầu rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phát hiện, điều tra tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Từ những kết quả đạt được trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đánh giá cao. Với thành tích đạt được, lực lượng Cảnh sát môi trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, Giải thưởng môi trường quốc gia năm 2008 và 2011, nhiều cán bộ chiến sĩ được Chủ tịch nước tặng Huân chương, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, bốn năm liên tục Cục Cảnh sát môi trường được Bộ Công an tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Mặc dù vậy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề chưa được khắc phục hiệu quả. Ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị ngày càng gia tăng. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng nhập khẩu trái phép rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phế liệu chưa được làm sạch vào Việt Nam diễn biến phức tạp, hình thành các băng, ổ nhóm, đường dây vận chuyển, kinh doanh rác. Vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm diễn ra rất nghiêm trọng ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng thực phẩm, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của cộng đồng.
Những vấn đề trên tiếp tục đặt ra cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường những nhiệm vụ nặng nề. Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để chủ động tiến công có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm với phương châm ngăn chặn, kiềm chế tiến tới đẩy lùi loại tội phạm này. Đồng thời, qua đó để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng, chống tội phạm về môi trường, chỉ đạo giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc, kiềm chế và làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường trong cả nước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong toàn dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()