Kiến nghị sửa đổi cách tính lương hưu với lao động nữ
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong Luật BHXH năm 2014, theo hướng giữ nguyên quy định tính lương hưu hiện nay để áp dụng cho sau ngày 31/12/2017.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Bùi Văn Cường vừa ký Công văn số 1769/TLĐ ngày 3/11, đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, theo hướng giữ nguyên quy định tính lương hưu hiện nay để áp dụng cho sau ngày 31/12.
Theo Tổng LĐLĐVN, thời gian qua, tổ chức Công đoàn tiếp nhận hiều ý kiến của đoàn viên Công đoàn và người lao động (NLĐ), phản ánh sự bất hợp lý của Luật BHXH 2014 về quy định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018.
Trước những vấn đề dư luận và NLĐ đang hết sức quan tâm, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khẳng định theo quy định của Luật BHXH 2006, NLĐ để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì cần có thời gian đóng BHXH là 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ.
Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 đã sửa đổi cách tính lương hưu của cả nam và nữ theo hướng nâng thời gian tham gia BHXH của NLĐ để được hưởng lương hưu tối đa 75% (nam từ 30 năm lên 35 năm, nữ từ 25 năm lên 30 năm) theo Điều 56 Luật BHXH 2014.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 56 quy định: Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH.
Cụ thể như sau: LĐ nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm; từ năm 2022 trở đi là 20 năm; LĐ nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi một năm, NLĐ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Vì vậy, Tổng LĐLĐVN cho rằng, từ 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ được tính như sau: Đối với LĐ nam, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với số năm đóng BHXH của LĐ nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm; từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi một năm tham gia BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với LĐ nữ, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của LĐ nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2% (thay vì tính 3% như trước đây), mức tối đa bằng 75%.
Theo Tổng LĐLĐVN, do quy định cách tính lương hưu của LĐ nữ thay đổi “nhảy vọt” ngay trong năm 2018 dẫn đến một số LĐ nữ có dưới 30 năm đóng BHXH nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (mức cao nhất lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của LĐ nữ.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, quy định trên của Luật BHXH 2014 về mức lương hưu hằng tháng của LĐ nữ đã tạo ra tình trạng “sốc” do thay đổi chính sách và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây phản ứng tiêu cực và tâm lý bất an cho NLĐ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Tổng LĐLĐVN đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét ngay trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội có Nghị quyết tạm dừng thực hiện Khoản 2 Điều 56 và Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH.
Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị: Cách tính lương hưu đối với LĐ nữ từ 1/1/2018 vẫn thực hiện như cũ. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho LĐ nữ, đảm bảo cân bằng quyền lợi của LĐ nam và LĐ nữ trong thụ hưởng chính sách BHXH.
Ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, văn bản này của Tổng LĐLĐVN cũng được chuyển tới Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị xem xét bảo đảm quyền lợi cho LĐ nữ.
Trước đó, ngày 2/11, Bộ LĐTB&XH cũng đã có văn bản gửi Chính Phủ về phương án hoãn lộ trình thực hiện cách tính lương hưu mới theo quy định tại Khoản 2, điều 56 Luật BHXH đến năm 2022.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tính đến ngày 1/1/2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu, trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ và 60.000 lao động nam.
Theo cách tính của Khoản 2, điều 56 (Luật BHXH năm 2014), nam giới thiệt ít hơn nữ giới có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay. Vì vậy trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có có khoảng 21.000 lao động nữ bị thiệt, trong số đó có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt thòi nhiều nhất khoảng từ 5-10% lương hưu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Bộ LĐTB&XH được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật BHXH năm 2014. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về việc dừng thực hiện Khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014.
Theo đó, các giải pháp được Bộ hướng tới đảm bảo các nguyên tắc: Không để lao động nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; đảm bảo có đóng (BHXH) có hưởng; tạo điện kiện cho quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()