Kiến nghị hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai
* Ðồng bằng sông Cửu Long cần 34 nghìn tỷ đồng ứng phó sạt lở
Nhằm giúp các địa phương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ, Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 15 địa phương bị thiệt hại nặng do mưa bão, lũ lụt với tổng số tiền là 550 tỷ đồng sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2017. Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh 135 tỷ đồng, Quảng Bình 70 tỷ đồng, Nghệ An 65 tỷ đồng, Thanh Hóa 45 tỷ đồng, Nam Ðịnh 35 tỷ đồng; bốn tỉnh Quảng Trị, Ninh Bình, Bắc Cạn, Hà Giang mỗi địa phương 30 tỷ đồng; các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Lạng Sơn mỗi địa phương 15 tỷ đồng; Lào Cai và Hòa Bình mỗi tỉnh 10 tỷ đồng.
* Ðợt ngập úng vừa qua, huyện Kim Ðộng (Hưng Yên) mất trắng 251 ha ngô; 182 ha chuối; khoảng 95 ha bầu, bí, mướp (trong đó có 79 ha thiệt hại hơn 70%)… Sau khi nước rút, UBND huyện đã tiến hành khơi thông dòng chảy; huy động tối đa mọi phương tiện, máy bơm để tiêu, thoát nước nhanh, không còn diện tích úng hoặc đọng vũng nước trên mặt ruộng, vườn. Ðến nay, đã tiến hành trồng mới lại diện tích cây bị chết.
* UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định hỗ trợ 18,3 tỷ đồng cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trực tiếp tham gia khôi phục sản xuất vụ đông 2017-2018. Trong đó, kinh phí mua giống ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, ngô nếp, ngô rau, ngô ngọt các loại là 4,5 tỷ đồng, áp dụng trên diện tích 5.000 ha; mua giống ớt 1,8 tỷ đồng, áp dụng trên diện tích 1.500 ha; mua giống khoai tây 12 tỷ đồng, áp dụng trên diện tích 1.000 ha.
* Sáng 25-10, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hỗ trợ từ Câu lạc bộ doanh nhân Thanh Hóa ở Ðồng Nai trợ giúp đồng bào Thanh Hóa khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. Trong số 600 triệu đồng các thành viên Câu lạc bộ, hội đồng hương Thanh Hóa tại Ðồng Nai quyên góp, Câu lạc bộ trao 60 triệu đồng tới MTTQ tỉnh để phân bổ, chuyển quà tới các hộ gặp khó khăn. Còn lại, đại diện Câu lạc bộ trực tiếp trao quà đến các hộ, các xã bị thiệt hại do mưa lũ.
* Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư cho biết, khu vực các tỉnh từ Quảng Ngãi, đến Bình Ðịnh đã có mưa to, đến rất to, mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi đang biến đổi chậm; sông An Lão (Bình Ðịnh) đang lên. Dự báo, mực nước các sông ở Quảng Ngãi, Bình Ðịnh sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông lên xấp xỉ mức báo động (BÐ) 1 và trên BÐ 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh nêu trên.
* Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng gió giật mạnh cấp 6, cấp 7; sóng biển cao 1,5 đến 2,5 m; biển động. Cảnh báo, từ khoảng ngày 27 đến 28-10, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành một vùng áp thấp ngay trên vùng biển quần đảo Trường Sa, sau đó vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng xấu đến thời tiết các vùng biển phía nam và khu vực đất liền Nam Bộ.
* Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện có 562 điểm bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có một số đô thị đã xảy ra sạt lở gây những thiệt hại đáng kể như thị xã Tân Châu, TP Long Xuyên (An Giang); thị xã Hồng Ngự, TP Sa Ðéc (Ðồng Tháp); TP Vĩnh Long (Vĩnh Long)… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện các chương trình, dự án phòng, chống sạt lở cho đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến cần tổng vốn đầu tư lên tới 34 nghìn tỷ đồng, trong đó có 20 nghìn tỷ đồng để bố trí sắp xếp lại dân cư kết hợp chống lũ. Phòng, chống sạt lở bờ sông 3.000 tỷ đồng (giai đoạn 2018-2025). Phòng, chống sạt lở vùng ven biển gắn với củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, trồng rừng ngập mặn kết hợp quản lý tổng hợp vùng ven biển; quan trắc diễn biến xói, bồi sông, kênh rạch, bờ biển, thủy hải văn 10 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2018-2030)…
* Liên tục từ ngày 19-10 đến nay, tại TP Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị trấn Gành Hào, cửa biển Nhà Mát (tỉnh Bạc Liêu),… triều cường dâng đã làm nhiều tuyến đường nội ô của thành phố, thị xã, thị trấn này có nơi nước ngập lên đến 60 cm, nhiều nhà bị ngập trong nước. Mưa, triều cường dâng đã làm nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại, hoặc ngưng sản xuất, dẫn đến nguồn rau xanh cung cấp cho các chợ giảm mạnh. Hiện giá các loại rau xanh tại chợ đầu mối thành phố tăng gần ba lần so ngày thường nhưng vẫn không đủ hàng bán.
* Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang cho biết, lốc xoáy vào sáng 22-10 tại cảng cá An Thới, huyện Phú Quốc làm chìm một tàu cá đang neo đậu, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 100 triệu đồng. Hiện tàu đã được lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng cùng một số ngư dân tại địa phương ứng cứu và trục vớt lên bờ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()