Kiến nghị có ban chỉ đạo thống nhất cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 23/7, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự họp Tổ ĐBQH ngày 23/7 – Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Các đại biểu cho rằng, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu. Đến tháng 7/2021, cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, các đại biểu chỉ ra những tồn tại hạn chế bất cập, cần phải khắc phục trong giai đoạn tới đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Các đại biểu đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo các cấp ở địa phương chung cho cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời bảo đảm phân công hợp lý, không chồng chéo.
Chỉ ra từ thực tiễn khảo sát tại TPHCM, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm hiện trạng giảm nghèo hiện nay, vì dịch bệnh COVID-19 đã làm cho số người lao động mất việc, thiếu việc tăng cao, khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo, trong khi những người nghèo thì đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. “Không chỉ mất việc làm, mà họ cũng đã sử dụng hết dự trữ. Về phía doanh nghiệp (DN), cũng sẽ có nhiều DN không còn khả năng bố trí công ăn việc làm cho người lao động như cũ nữa”, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý bày tỏ lo lắng.
Đề xuất giải pháp, đại biểu Trần Thị DiệuThúy kiến nghị phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau (mất sức lao động, có sức lao động nhưng không làm việc, mất việc…), từ đó có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, theo đại biểu
Trần Thị Diệu Thuý, những giải pháp giảm nghèo cần mang tính bền vững. Đào tạo lao động là một trong những giải pháp quan trọng theo hướng này, nhưng cần đào tạo những kỹ năng chuyên sâu mà người lao động có thể ứng dụng để tìm kiếm những công việc cho thu nhập ổn định, tránh tình trạng đào tạo lấy được, chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng.
Chia sẻ quan điểm của đại biểu Trần Thị Diệu Thuý về ý nghĩa quan trọng của đào tạo lao động, đại biểu Vũ Hải Quân (TPHCM) đề nghị Bộ LĐTB&XH có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực này.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thống nhất cao với chương trình mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung cơ bẩn tiếp cận, dự án thành phần cũng như đề nghị rà soát lại một số chỉ tiêu. Theo ông Duy, giảm nghèo nên đặt chỉ tiêu đến 2021-2025, trong khi báo cáo đặt ra một số chỉ tiêu đến năm 2030 khi nguồn lực chỉ đến 2025.
Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề xuất Chính phủ nên xây dưng cơ chế lồng phép và giao cho địa phương thực hiện một dự án dùng nguồn vốn của 2-3 chương trình trên địa bàn.
Đại biểu Vũ Lưu Mai (TP. Hà Nội), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ lo ngại cho chương trình xây dựng nông thôn mới khi giải ngân chậm do lập kế hoạch chậm và vốn đối ứng của nhiều địa phương khó khăn, đẫn đến kết quả, tiến độ, hiệu quả chương trình mục tiêu nông thôn mới chậm.
Tổ ĐBQH Lào Cai, Thanh Hóa thảo luận chiều 23/7 – Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cơ bản nhất trí với định hướng và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Quá trình triển khai 10 năm xây dựng NTM đạt được những kết quả to lớn, điển hình như việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một dấu ấn đậm nét.
Theo đại biểu, để đạt được mục tiêu đề ra, cần nhiều nguồn lực từ Trung ương, quá trình thực hiện cho thấy vấn đề giao thông nông thôn, môi trường đang gặp khó khăn, cần rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng NTM cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương còn rất hạn chế, để hoàn thành các mục tiêu của dự án nêu ra thì cần rất nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương. Thực tế triển khai thì vướng mắc nhất vẫn là nguốn vốn, nếu ở cùng một định mức tiền thì ở vùng đồng bằng làm được 1 km đường nhưng lên đến vùng cao thì chỉ được 600 m vì giá vật liệu, chi phí vận chuyển, nhân công đã khác. Do đó, cần xây dựng cơ chế đặc thù, có đột phá về thể chế, có nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, cần rà soát để tránh tình trạng có những hộ gia đình được hưởng cả 3 chính sách, có hộ không được hưởng chế độ chính sách nào. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề sinh kế cho người nghèo, khảo sát các vùng có thế mạnh, đầu tư tránh dàn trải, tiếp cận thông tin, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết bị, hỗ trợ điện thoại thông minh để tiếp cận tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia nên có một ban chỉ đạo thống nhất, bảo đảm hiệu quả của các chương trình ở Trung ương và địa phương.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()