Phát biểu tại hội trường, các đại biểu cho rằng Chủ tịch nước nhiệm kỳ vừa qua đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), với cương vị là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và thể chế hóa những quy định của pháp luật để xây dựng hệ thống tư pháp của nước ta ngày càng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu của thực tế hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Đặc biệt, Chủ tịch nước rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu của thực tế.
Thứ hai, hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hình ảnh đất nước Việt Nam, Tổ quốc ta ngày càng được khẳng định ở khu vực cũng như trên trường thế giới.
Thứ ba, trong hoạt động thực tiễn của mình, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã thể hiện là những vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước quan tâm, gần gũi với nhân dân, luôn chăm lo đến đời sống của nhân dân, đặc biệt nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đại biểu Sơn thể hiện mong muốn của ông và cử tri rằng Chủ tịch nước cố gắng có được hình ảnh quy tụ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc giống như những vị Chủ tịch nước đầu tiên của chúng ta – Bác Hồ, bác Tôn.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), cử tri đánh giá cao Chủ tịch nước là người gương mẫu trong lối sống và công việc, có tinh thần trách nhiệm cao và làm việc không mệt mỏi cho dân, cho nước và cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống tư pháp của đất nước nói riêng. Chủ tịch nước đã luôn gắn bó với cử tri, nuôi dưỡng được tình cảm cách mạng với nhân dân. Có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhiều quyền hạn Chủ tịch nước trong Hiến pháp chưa được thực hiện
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những việc chưa làm được trong hoạt động của Chủ tịch nước nhiệm kỳ vừa qua.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Chủ tịch nước chưa thể hiện vai trò trong một số nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp quy định như: thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh. Chức năng của Chủ tịch nước trong việc công bố luật của Quốc hội và pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ là kết thúc khâu cuối cùng mà Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền có thể xem xét lại luật, có thể xem xét lại pháp lệnh nếu như có điểm chưa đúng.
Thứ hai, quan hệ phối hợp của Chủ tịch nước với Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội cũng chưa thể hiện được rõ.
Đại biểu Sơn cho biết cử tri cũng băn khoăn, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước có quyền hạn gì trong trận chiến đấu tranh chống tham nhũng.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng đánh giá cao vai trò nêu gương của Chủ tịch nước trước Đảng, trước hệ thống bộ máy nhà nước và có những đóng góp rất tích cực vào tiến trình đổi mới của đất nước trong nhiệm kỳ vừa qua. Nhưng theo ông, Chủ tịch nước chưa thể hiện đóng góp, kết quả chỉ đạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng, quốc kế dân sinh, nhất là những việc vay nợ quốc tế, ký các hiệp định thực hiện việc vay nợ quốc tế và giám sát việc sử dụng nguồn vay này thế nào cho có hiệu quả để tác động trở lại cho phát triển kinh tế của đất nước.
Đồng tình với đại biểu Sơn, ông Bùi Văn Phương cũng cho rằng vai trò thống lĩnh trong lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước được ghi trong Hiến pháp, nhưng trên thực tế mới thể hiện rõ ở khâu phong, thăng, giáng chức tước quân hàm, quân hiệu. Vai trò của Chủ tịch nước đối với những vấn đề quyết định về xây dựng lực lượng với những quyết định hoặc đề nghị quyết định về mặt đầu tư nguồn lực tài chính và đầu tư trang bị, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa rõ.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về vai trò Chủ tịch nước
Khi Hiến pháp được ban hành thì toàn bộ hệ thống pháp luật đã được sửa đổi đồng bộ để thực hiện Hiến pháp. Mặc dù được quy định trong Hiến pháp, nhưng hệ thống các văn bản quy phạm để Chủ tịch nước thực hiện quyền lực của người đứng đầu nhà nước thì không quy định rõ. Chính vì vậy, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng những tồn tại của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua một phần do hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh. Đại biểu này cũng kiến nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới sẽ phải tập trung và tiếp tục hoàn thiện thể chế về Chủ tịch nước để có những quy phạm, quy định thể hiện tinh thần của Hiến pháp để Chủ tịch nước có thể thực hiện đúng, đầy đủ trọng trách của người đứng đầu nhà nước, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân với người đứng đầu quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn kiến nghị trong nhiệm kỳ tới Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội xây dựng, ban hành luật, chế định Chủ tịch nước.
“Chúng ta biết, các chế định về lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có luật. Chủ tịch nước vừa có phần hành pháp, vừa có phần lập pháp, vừa có phần tư pháp nhưng lại không có chế định về luật. Tôi thấy đây là một điều quan trọng và trong luật này cần làm rõ chế định Chủ tịch nước với tư cách người đứng đầu nhà nước về đối nội, đối ngoại…”, đại biểu Sơn nói.
Ngoài ra, còn một số vấn đề khác liên quan đến Chủ tịch nước được đại biểu Quốc hội đề xuất. Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, nhiệm kỳ vừa qua Chủ tịch nước đã ký đặc xá 33.999 người. Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị đánh giá lại hiệu quả của hoạt động này, trong số tù nhân được đặc xá có bao nhiêu trường hợp tái phạm.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Hiến pháp năm 2013 quy định Chủ tịch nước có quyền tham dự các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu Chính phủ họp về những vấn đề mà Chủ tịch nước thấy cần thiết. Tuy nhiên, quyền hạn này chưa được thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua. Nhiệm kỳ tới đây, đại biểu Nghĩa kỳ vọng, Chủ tịch nước với vai trò Nguyên thủ quốc gia có thể đóng góp nhiều mặt hơn trong nhiệm vụ của nhà nước, đặc biệt là quốc phòng, ngoại giao và có một vai trò đặc biệt trong việc kiểm soát quyền lực theo nghị quyết của Đảng và theo Hiến pháp.
Ý kiến ()