Kiên Mộc nỗ lực xây dựng nông thôn mới
LSO-Là một xã vùng III của huyện nghèo Đình Lập, Kiên Mộc gặp rất nhiều khó khăn trên con đường phát triển.
LSO-Là một xã vùng III của huyện nghèo Đình Lập, Kiên Mộc gặp rất nhiều khó khăn trên con đường phát triển. Tuy nhiên trên địa bàn cũng đã bắt đầu xuất hiện những điểm sáng trong phát triển kinh tế, phong trào thi đua xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đang dần lan tỏa…đó là nền tảng vững chắc để Kiên Mộc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.
Xưởng sửa chữa xe máy và nông cụ của ông Triệu Chăn Thuật tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập |
Hơn 5 năm về trước, gia đình anh Triệu Chăn Thuật là một trong những hộ nghèo nhất của thôn Hin Đăm. Toàn xã Kiên Mộc chia thành 13 thôn, trong đó có 4 thôn vùng cao, điều kiện cực kỳ khó khăn, khắc nghiệt với hầu hết là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Hin Đăm là một trong số các thôn vùng cao ấy. Anh Thuật kể: Ruộng ít, đất rừng cũng chẳng nhiều, làm lụng quần quật vẫn chẳng đủ ăn, nhưng mình vẫn luôn ấp ủ về một hướng phát triển kinh tế, một hướng làm giàu khác. Và hướng của Triệu Chăn Thuật cũng thật táo bạo, đó là đi học sửa xe máy và quay lại mở xưởng tại địa phương, ly nông bất ly hương.
Câu chuyện học nghề của anh Thuật kể ra dài dằng dặc. Bắt đầu học từ Hải Dương, đến Hà Nội. Để có thể đóng học phí, anh chấp nhận làm không công cho các xưởng sửa chữa. Lúc trở về Thuật đã có tay nghề sửa chữa vào hàng “cứng”. Với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, anh được tạo điều kiện vay 75 triệu đồng, vừa vặn đủ sắm đồ nghề cần thiết và mở được xưởng sửa chữa xe máy, đầu nổ ở Bản Phục, ngay gần trung tâm xã. Từ khi có xưởng của Thuật, xe máy, đầu nổ máy cày của bà con không còn phải mang ra thị trấn Đình Lập hay gửi ra tận ngoài Lạng Sơn để sửa chữa, tay nghề của Thuật xử lý được hầu hết các “bệnh” phức tạp. Chẳng mấy chốc số nợ vay ngân hàng đã trả xong, xưởng mở rộng ra thêm, Thuật tiếp tục đầu tư vào trồng nấm, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân, thu nhập từ nấm cũng được từ 70-80 triệu đồng/năm. Ông Chu Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội nông dân Kiên Mộc cho biết: Không chỉ riêng trường hợp của Triệu Chăn Thuật, mà trong những năm qua trên địa bàn xã đã xuất hiện khá nhiều những gương điển hình làm kinh tế. Từ năm 2007 đến nay, các hội, đoàn thể của địa phương đã giúp đỡ cho 300 hộ gia đình vay vốn với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Cộng với hàng chục lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…số vốn vay ngân hàng được sử dụng đúng mục đích đã phát huy tác dụng tích cực. Sản xuất có hiệu quả, đời sống được nâng lên, nhân dân trong xã đã hăng hái tham gia thi đua xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong vòng 2 năm trở lại đây, toàn xã đã huy động được trên 1.000 ngày công tu sửa giao thông, thủy lợi. Với trên 200 tấn xi măng nhà nước hỗ trợ, trong vòng 2 năm qua, Kiên Mộc đã tập trung bê tông hóa giao thông ở 5 thôn, bản, nâng tổng số thôn được bê tông hóa lên 10 thôn. 4 thôn xây dựng được nhà văn hóa, thoạt nghe thì có vẻ ít, nhưng thực chất chỉ với 25 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước, thì việc xây dựng được nhà văn hóa ở một xã đặc biệt khó khăn, xa trung tâm đã là nỗ lực rất lớn của nhân dân địa phương.
Nhìn một cách tổng quát, Kiên Mộc vẫn còn trên 50% số hộ nghèo; chỉ có 7/13 thôn có điện lưới quốc gia… Trong khi đó hệ thống giao thông từ đường trục chính tới đường nhánh đều rất khó khăn, gây trở lực rất lớn đến phát triển sản xuất của địa phương. Tuy nhiên từ khi phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, Kiên Mộc đã bắt đầu xuất hiện những điểm sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế và từ những cá nhân điển hình ấy đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ảnh hướng tích cực tới sự phát triển chung của địa phương. Đó là nền tảng vững chắc để Kiên Mộc vững tin vào con đường xây dựng nông thôn mới.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()