Kiên Giang: Xã hội hóa trong phát triển du lịch
Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chính sách nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch.
Trong đó, chủ trương xã hội hóa du lịch đang được bắt đầu thực hiện nhằm tranh thủ các nguồn lực của xã hội để đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí… từng bước thay đổi diện mạo của ngành du lịch tỉnh nhà.
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Kiên Giang đã tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, bằng những chính sách ưu đãi, tạo môi trường thông thoáng nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội. Tỉnh đẩy mạnh công tác tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa, xây dựng các cụm, tuyến du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch…; quan tâm kêu gọi cộng đồng dân cư địa phương tham gia quy hoạch phát triển du lịch.
Trong quá trình phát triển các khu, điểm du lịch, tỉnh đã quan tâm đến sự phân chia lợi ích một cách hợp lý, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Việc phát triển dịch vụ du lịch phải luôn gắn liền với lợi ích của dân cư địa phương bằng cách để họ trực tiếp tham gia vào các dịch vụ, như cho thuê phương tiện vận chuyển thủy – bộ, bán đồ lưu niệm, chụp ảnh, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ phụ trợ khác…
Bên cạnh đó, ngành du lịch còn thường xuyên mở các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho lao động; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên tại các khu, điểm du lịch. Thông qua hoạt động du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của người dân địa phương đến được với du khách quốc tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ngành du lịch Kiên Giang cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đồng thời tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa ứng xử, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, văn minh để thu hút ngày càng đông khách du lịch đến tham quan.
Ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển, hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, nhất là các loại hình du lịch biển, đảo.
Trong kế hoạch phát triển du lịch năm 2012, tỉnh Kiên Giang phấn đấu thu hút trên 5,1 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, phát triển khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí, giá trị doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tạo điều kiện làm việc ổn định cho trên 3.000 lao động phục vụ trong ngành du lịch.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững thì công tác xã hội hóa du lịch nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển là điều cần thiết. Ngoài ra, xã hội hóa sẽ giúp cho người dân làm quen dần với tính chuyên nghiệp khi làm du lịch, đồng thời quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, đưa du lịch Kiên Giang phát triển ổn định và bền vững, xứng đáng là một trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Ý kiến ()