Kiên Giang vươn ra làm kinh tế biển
Lâu rồi tôi mới về Kiên Giang, với thành phố Rạch Giá trẻ trung và năng động trải dài từ cầu An Hòa đến cầu Đúc. Càng về đêm, Rạch Giá càng nhộn nhịp và sôi động. Ở khu đô thị mới lấn biển về phía tây, khách sạn, nhà hàng, quán nhậu, dịch vụ vui chơi giải trí đông ken, phía ngoài biển các tàu đánh cá mở đèn sáng lóa, đúng nghĩa là một đô thị biển. Bởi vậy cách đây chừng 5 năm thôi, gọi là thành phố Rạch Giá chưa quen, còn bây giờ ai cũng tự hào là người dân của thành phố biển Tây Nam, dù còn một vài điều chưa ưng ý. Với tôi, cả tuổi trẻ gắn liền với Rạch Giá, vui buồn cùng những con nước lớn từ biển ngập tràn cả đường Lâm Quang Ky ven biển, hình dung phần nào được bước tiến từ cù lao Giá, đến thị xã Rạch Giá, rồi công cuộc lấn biển để hình thành nên thành phố Rạch Giá hôm nay.Càng hiểu thành công của vùng đất này những ngư dân 'ăn sóng, nói gió' mà hành động, vì sự mưu sinh và...
Càng hiểu thành công của vùng đất này những ngư dân 'ăn sóng, nói gió' mà hành động, vì sự mưu sinh và để đóng góp cho xã hội. Thật khó tin, vùng đất tích tụ sình bùn ven biển của phù sa sông Cửu Long đổ ra biển tây, xóm lưới đượm buồn nay trở thành một thành phố biển với chiều ra biển từ 500 đến 700 m, chiều ngang khoảng 7 km.
Có những gương mặt quen, gợi lại một thời kỳ đáng nhớ của Kiên Giang: Cơn bão số 5 năm 1997 tràn qua, mặt biển đầy những mảnh ván tàu tơi tả, chú Năm Hiền, nguyên Giám đốc Công an nói liền: 'Tụi mình phải ra đảo coi bà con xoay xở ra sao, công tác cứu hộ, cứu nạn có chu toàn không?'. Lúc về dính bão rớt trên vùng biển Phú Quốc đến độ tàu đánh cá và tàu Bộ đội Biên phòng phải đưa mọi người sang tàu và chở về tới đất liền. Thật khó quên gương mặt quyết đoán của anh Ba Tân, Anh hùng Lao động, phát hiệu lệnh cho những đoàn tàu đánh cá ra khơi thực hiện chuyến biển dài ngày và ăn Tết trên biển. Không dễ quên được gương mặt đen sạm, đầy lo âu của ông Mười Đởm, Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng những hôm xảy ra vụ cháy rừng, thiêu rụi phân nửa diện tích rừng tràm nguyên sinh. Hàng nghìn bộ đội, cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh, thành phố phía nam huy động về chữa cháy rừng tràm. Sự sống thật mãnh liệt, sau những trận mưa, ngay tại khu vực cháy rừng, nơi lưỡi lửa liếm qua, cả một rừng tràm con xanh ngát nhú lên khẳng định sự sống trường tồn của hệ sinh thái 'tràm xanh, nước đỏ'.
Người dân Kiên Giang đi đâu cũng tự hào về tiềm năng của tỉnh mình: khoảng 3,5 triệu tấn lúa mỗi năm, đứng hàng nhất, nhì Tây Nam Bộ; đoàn tàu đánh cá khoảng 11 nghìn chiếc với sản lượng thủy sản hằng năm hơn 460 nghìn tấn, trong đó sản lượng thủy sản đánh bắt trên biển hơn 350 nghìn tấn, đứng hàng đầu cả nước; công nghiệp sản xuất xi-măng chi phối khu vực với hơn 4,6 triệu tấn mỗi năm; hệ sinh thái đa dạng từ tiểu vùng tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên và biển – đảo, diện tích biển khoảng 63 km2, bờ biển dài 200 km với nhiều thắng cảnh tuyệt vời như Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, lên rừng thì có Vườn Quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, có 54 km đường biên giáp với Cam-pu-chia, có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Xà Xía (huyện Hà Tiên). Bảo đảm kể cả những người dân cố cụ tại các đảo cũng không thể biết hết tên gọi, hoặc nếm đủ các loại hải sản trên vùng biển Kiên Giang.
Trong bước tiến về phía trước, Kiên Giang cũng trải qua không ít bài học. Đó là việc giao 60 nghìn ha đất vùng tứ giác Long Xuyên cho Công ty quốc tế Kiên Tài (Đài Loan – Trung Quốc), làm ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước; rồi vụ bao chiếm đất đai, phá rừng phòng hộ năm 2004, gây tác động xấu đến môi trường đầu tư Phú Quốc. Nhưng nay, Phú Quốc đã thay đổi rõ nét, khắp đảo đúng nghĩa là một đại công trường quy mô, các cảng biển, cảng du lịch, sân bay quốc tế, khu sinh quyển. Có nhiều điều kỳ thú tại Phú Quốc, vùng biển đủ cả cá heo, rùa biển, bò biển (dugong), cá nhám, hải mã, hải sâm… Và kéo dài từ phía bắc đến nam đảo là 99 ngọn núi theo một hướng về phía bắc khiến ta chợt nhớ tới truyền thuyết voi phục.
Hướng ra biển, làm cho biển đảo giàu lên, đúng nghĩa 'tàu là nhà, biển – đảo là quê hương', là chí hướng của đất và người Kiên Giang. Nếu bạn ở Kiên Giang từ những năm 1990 có thể thấy được bản hùng ca của những người đi biển, đó là hàng nghìn tàu đánh cá vừa đóng mới liền hạ thủy hùng dũng ra khơi với hành trình dài ngày phục vụ cho bước tiến đánh bắt xa bờ trên ngư trường Tây Nam; là quyết tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ không bị cạn kiệt bởi phương tiện cào bờ, xiệp mé; là tinh thần cộng đồng chung tay giúp các huyện đảo trên vùng biển Kiên Giang khắc phục hậu quả cơn bão Lin-đa lịch sử năm 2007; là những buổi chính quyền tỉnh họp ngư dân trên đảo để bàn tính các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể từ nơi neo đậu tàu, chợ cá, trường học, trạm y tế, điện, nước ngọt… Bản thân tôi chứng kiến không ít giờ phút động thổ xây dựng cảng dịch vụ hậu cần nghề cá Tắc Cậu, Nam Du, Thổ Châu, An Thới, cảng du lịch Bãi Vòng… Đến nay, phải thừa nhận rằng, hệ thống cảng cá là tầm nhìn xa của chiến lược kinh tế biển, là bước đệm, là hậu cứ của bước tiến khai thác xa bờ, là nơi an cư, lạc nghiệp của hàng vạn ngư dân trên vùng biển Tây Nam. Những ý chí và nguyện vọng chính đáng của ngư dân trên 105 hòn đảo của Kiên Giang được Đảng bộ và chính quyền tỉnh thể hiện bằng Chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện là hợp lòng dân và đúng thời cơ.
Bác sĩ Dũng, quê ở Ô Môn, thành phố Cần Thơ, tốt nghiệp Học viện Quân y Hà Nội xong tình nguyện ở lại đảo phục vụ, làm Trưởng trạm Quân y Phú Quốc. Trong thời điểm cách nay chừng 10 năm thôi, các cơ sở y tế trên huyện đảo khó khăn, thiếu thầy, thiếu thuốc thì trạm Quân y của anh với mô hình Đông – Tây y kết hợp, cộng với sự nhiệt tình, tận tụy của người thầy thuốc mặc áo lính trở thành địa chỉ khám và điều trị bệnh của người dân trên đảo. Anh nhớ phần lớn tên họ, căn bệnh của người dân trên đảo, vợ anh là y tá, cùng tham gia công tác tại đây, hai con gái khá xinh xắn và học giỏi. Cả một vùng kinh tế mới Gành Dầu – bắc đảo Phú Quốc, xã đảo Thổ Sơn lớn lên từng ngày, hội đủ người dân từ các vùng, miền của Tổ quốc, nỗi lo thiếu lương thực vào mùa biển động không còn, việc giao thương thuận tiện hơn trước. Các điểm trường đã bớt phải dồn lớp, học sinh yên tâm đến hết cấp 2. Trạm y tế trên xã đảo có thể chữa trị được những bệnh thông thường, có thể sơ cấp cứu những tai nạn mà khoảng 10 năm trước chỉ còn cách thuê bao trọn gói, hoặc gửi nhờ tàu đánh cá vào Bệnh viện Dương Đông – Phú Quốc. Nhiều người như thế bám trụ tại quần đảo Nam Du, Kiên Hải, Thổ Châu… của biển – đảo Kiên Giang. Chính sách thu hút và sử dụng nhân tài đang là một điểm yếu của Kiên Giang. Suy tư lớn nhất, trăn trở lớn nhất của vùng đất giàu tiềm năng Tây Nam Bộ chính là đây. Làm gì để nông sản và hải sản không xuất thô mà trở thành hàng tinh chế mang lại giá trị thương phẩm tối đa cho từng mảnh ruộng và mẻ lưới? Anh Sáu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đi dự Ngày họp mặt cựu học sinh Trường phổ thông trung học Nguyễn Trung Trực về vui vẻ nói tía lia: – 'Vui hết biết rồi, toàn anh em ruột rà không à! Tới dự mà anh em cứ tưởng tui học trường này!'. Tôi hiểu tâm trạng của anh, từ những năm 1995 về trước, Trường THPT Nguyễn Trung Trực là lò đào tạo học sinh cấp 3 số một của thành phố biển Rạch Giá nói riêng và tỉnh Kiên Giang. Ngày nay, Rạch Giá có thêm Trường chuyên Huỳnh Mẫn Đạt có tỷ lệ học sinh đậu đại học đạt 80%, rồi có thêm Phân hiệu Đại học Thủy sản. Ông Trần Lam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, hiện là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang cho biết: Đến giờ này tỉnh Kiên Giang không còn hộ đói, chuyện kế tới là suy tính cách xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, thể hiện đạo lý và trách nhiệm của chính quyền địa pương với bà con. Tin rằng, với những chương trình phát triển dân sinh cụ thể, công khai và đầy thiện chí thì không ít người con của Kiên Giang từ khắp mọi nơi, kể cả đang làm ăn xa xứ đều mong muốn đóng góp chút công sức của mình cho quê hương.
Kiên Giang là nơi của những con người hành động. Mỗi thành tựu của Kiên Giang càng khẳng định vị thế tiền tiêu phía tây nam của Tổ quốc. Kiên Giang gần gũi và ấm lòng, như người đi biển trở về đất liền sau chuyến biển dài ngày.
Theo Nhandan
Ý kiến ()