Kiên Giang tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Một cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu. Có thể nêu một trong những điển hình về khó khăn của doanh nghiệp do vay vốn với lãi suất cao là Công ty TNHH Mai Sao, trụ sở tại xã Bình An, huyện Châu Thành. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu.Giám đốc Công TNHH Mai Sao Cao Hương Thiên cho biết, một nhà máy chế biến thủy sản thường có tổng dư nợ hơn 50 tỷ đồng. Với mức lãi suất ngân hàng như thời gian qua, mỗi tháng, doanh nghiệp đã mất gần một tỷ đồng tiền lãi, cả năm là 12 tỷ đồng. Thực tế, thời gian qua DN thủy sản nào giỏi cũng chỉ đạt mức lợi nhuận từ 2 đến 3% trên tổng doanh thu, trong khi lãi suất NH lên tới gần 20%/năm. Hiện, DN này đang nợ các NH lên đến 70 tỷ đồng và đã bị phía NH niêm phong nhà xưởng.Ông Cao Hương Thiên giải thích, "Từ cuối năm 2011, DN đã lâm vào khủng hoảng vốn do hoạt động sản xuất gặp khó khăn, bị đối tác tiêu thụ mặt hàng cá...
Một cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu. |
Giám đốc Công TNHH Mai Sao Cao Hương Thiên cho biết, một nhà máy chế biến thủy sản thường có tổng dư nợ hơn 50 tỷ đồng. Với mức lãi suất ngân hàng như thời gian qua, mỗi tháng, doanh nghiệp đã mất gần một tỷ đồng tiền lãi, cả năm là 12 tỷ đồng. Thực tế, thời gian qua DN thủy sản nào giỏi cũng chỉ đạt mức lợi nhuận từ 2 đến 3% trên tổng doanh thu, trong khi lãi suất NH lên tới gần 20%/năm. Hiện, DN này đang nợ các NH lên đến 70 tỷ đồng và đã bị phía NH niêm phong nhà xưởng.
Ông Cao Hương Thiên giải thích, “Từ cuối năm 2011, DN đã lâm vào khủng hoảng vốn do hoạt động sản xuất gặp khó khăn, bị đối tác tiêu thụ mặt hàng cá nóc ngưng mua mà không có lý do. Nhưng do sức ép về vốn, buộc Công ty Mai Sao phải hạch toán các khoản lỗ vào lượng hàng tồn kho và báo cáo lãi với các NH. Bởi nếu báo cáo lỗ thì ngay lập tức NH sẽ cắt vốn”. Ông Cao Hương Thiên cho biết thêm, DN đã gửi nhiều văn bản đến UBND tỉnh Kiên Giang và các NH trên địa bàn tỉnh xin được khoanh nợ và hỗ trợ về tài chính như cho vay ưu đãi 30 tỷ đồng trong vòng ba năm nhưng không được chấp nhận.
Hoạt động cùng lĩnh vực, cùng cảnh ngộ, Giám đốc Công ty cổ phần Hiệp Phát, ông Võ Thanh Hiệp cho rằng, DN này còn khó khăn hơn cả Mai Sao, vì các NH thấy DN gặp khó đã ngưng cho vay. “Lĩnh vực thủy sản luôn khát vốn và dễ bị tác động bởi tình hình chung. Trong khi đó, chỉ cần DN chậm thanh toán một món vay là ngay lập tức hệ thống theo dõi nợ của NH báo động và ngưng cho vay. Giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất khẩu thủy sản Ngô Quyền Huỳnh Châu Sang cho biết, hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước có chu kỳ quay vòng vốn chậm, trong khi phần lớn doanh nghiệp đều phụ thuộc vào vốn vay, và với mức lãi suất cao như hiện nay thì doanh nghiệp không thể lãi”.
Không chỉ chịu đựng mức lãi suất cao, các doanh nghiệp thủy sản hầu như không thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Ông Nguyễn Duy An, Giám đốc Nhà máy chế biến đồ hộp xuất khẩu KTC bức xúc nói: “Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ vốn nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. DN làm hồ sơ vay vốn xây dựng kho chứa nguyên liệu gửi tới NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. NH thẩm định hồ sơ và đồng ý hết, nhưng khi chuẩn bị ký hợp đồng tín dụng để giải ngân thì nêu điều kiện buộc toàn bộ nguồn thu ngoại tệ đều phải bán cho NH, trong khi mức mua ngoại tệ của NH này thấp nhất. Như vậy nếu thực hiện điều kiện ràng buộc này thì có khi còn cao hơn lãi suất vay thông thường”.
Tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 5.000 DN, nhưng phần lớn quy mô vừa và nhỏ. Thời gian qua chỉ có khoảng hơn 25% trong số này là tiếp cận được nguồn vốn vay từ NH. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thương mại Kiên Giang Nguyễn Hùng Linh, thời gian qua, lãi suất NH vừa cao vừa không ổn định, cho nên các DN rất khó khăn trong việc tiếp cận. “Chính phủ cần có các giải pháp ổn định lãi suất ở tầm vĩ mô, tránh tình trạng điều hành theo kiểu “chữa cháy” trước tình hình lạm phát rồi giảm phát” – ông Linh nói. Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Kiên Giang, Bùi Văn Hổ cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các DN đều gặp khó khăn, không chỉ DN sản xuất, kinh doanh thông thường, mà cả nguồn hàng cũng khó khi phải gánh nợ xấu cao. Tuy nhiên, với vai trò đặc biệt của mình trong nền kinh tế, các NH nên cân nhắc các điều kiện cho phép trong khả năng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn một cách nhanh chóng.
Giám đốc chi nhánh Vietcombank Kiên Giang Nguyễn Văn Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NH Nhà nước, từ ngày 15-7 trong toàn hệ thống Vietcombank đã hạ lãi suất xuống mức 15% đối với tất cả các khoản vay. Còn trần lãi suất cho vay ngắn hạn thống nhất thực hiện là 13%. Theo ông Phương, việc hạ lãi suất lần đầu xuống mức 18%/năm, toàn hệ thống Vietcombank đã giảm thu nhập gần 700 tỷ đồng và đợt giảm lãi suất xuống 15%/năm tiếp tục kéo giảm thu nhập thêm gần 800 tỷ đồng. Toàn hệ thống Vietcombank đã phải cắt giảm lợi nhuận gần 1.500 tỷ đồng sau hai lần điều chỉnh lãi suất, là minh chứng rõ ràng nhất cho việc ngân hàng chia sẻ khó khăn với DN”.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Kiệt cho rằng, mặc dù NH rất cảm thông với khó khăn của DN do lãi suất có lúc vượt quá sức chịu đựng, nhưng các DN cũng cần cảm thông với NH bởi việc lãi suất tăng cao là do ảnh hưởng của chỉ số lạm phát năm 2011, và để giảm lạm phát thì Chính phủ đã chỉ đạo các NH thắt chặt tín dụng. Ông Kiệt cho biết, sáu tháng đầu năm 2012, toàn hệ thống NH trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều có mức huy động cao hơn cho vay, chứng tỏ các NH đang bị tồn tiền và sẽ bị lỗ. “Nếu DN nào hoạt động ổn định, có đầy đủ thủ tục và có nhu cầu vay vốn thì các NH sẽ giải quyết”, ông Kiệt nói.
Trong sáu tháng đầu năm 2012, tỉnh Kiên Giang đã có hàng trăm hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động, 632 DN báo lỗ, riêng lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu có khoảng 15 DN bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu và cũng từng đó số DN đang nợ đọng tiền thuế. Để giúp các DN vượt qua khó khăn duy trì sản xuất kinh doanh, thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp. Đối với vấn đề nợ dẫn đến phá sản của Công ty Mai Sao, UBND tỉnh Kiên Giang đã hai lần ra văn bản gửi các NH kêu gọi hỗ trợ để Mai Sao được hoạt động trở lại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến hoạt động của các DN, bởi hằng năm, DN đóng góp đến 40% vào tổng sản phẩm của địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()