Kiên Giang: Sơ kết các Chỉ thị của Ban Bí thư trên lĩnh vực khoa giáo
Ngày 26-10, Tỉnh uỷ Kiên Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, Chỉ thị số 54 “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” và Chỉ thị số 49 “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị.
Trình bày các báo cáo tại hội nghị, đồng chí Đặng Tuyết Em – Uỷ viên Ban Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết, qua tiếp thu quán triệt, nhận thức trong hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đã được nâng lên về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều người mắc phải “căn bệnh thế kỷ” đã dần vượt qua mặc cảm để hoà nhập cộng đồng, hơn nữa còn chủ động tham gia hoạt động nhiệt tình trong các “nhóm đồng đẳng” để tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV cho người khác. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng với người có HIV đã giảm, tạo điều kiện để người có HIV thực hiện tốt “3 tự” là tự tin, tự giác và tự lập.
Đồng chí Đặng Tuyết Em, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo |
Từ năm 2005 đến nay, Kiên Giang đã cấp kinh phí tổng cộng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên 55,78 tỉ đồng, bình quân mỗi năm gần 10 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này được dùng để nâng cấp cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền, dự phòng và điều trị HIV/AIDS. Từ năm 2006 – 2010 tỉnh đã cấp phát 2,2 triệu bao cao su và hơn 980 bơm kim tiêm miễn phí. Triển khai có hiệu quả các chương trình can thiệp giảm tác hại tại 12/15 huyện, thị, thành phố trong tỉnh; triển khai chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con đạt kết quả tốt với khoảng 35.000 phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm HIV, gần 30.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và đã có 182 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS được điều trị lây nhiễm có kết quả. Những nỗ lực nêu trên đã góp phần từng bước khống chế tốc độ lây nhiễm HIV, giảm số trường hợp nhiễm mới và giảm cả số người tử vong do chuyển sang AIDS. Hiện toàn tỉnh còn 3.138 trường hợp nhiễm HIV, tỉ suất nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 160/10.000 dân, tỉ lệ nhiễm trung bình giai đoạn 2006 – 2010 khống chế ở mức dưới 0,2% (mục tiêu quốc gia đến năm 2010 là khống chế tỉ lệ này dưới 0,3%).
Thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, những năm qua Kiên Giang đã triển khai làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào và mô hình xây dựng gia đình, như: Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các mô hình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”, “gia đình, dòng họ hiếu học”… Đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 87,09% hộ gia đình, 90,79% tổ tự quản và 74,21% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hoá, 93,01% khu dân cư tiên tiến. Trong các cộng đồng dân cư, công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đạt kết quả khá tốt bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vốn cho hộ nghèo… Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo từ 14,02% năm 2005 đã giảm xuống còn 4,5% vào năm 2010, hàng năm giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 27.000 lao động.
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương (khoá IX) về “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”,đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Kiên Giang được tăng cường cả số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy và quản lý ở các trường học. Hiện toàn ngành giáo dục Kiên Giang có trên 23.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên (tăng trên 4.000 người so với thời điểm năm 2005), trong đó có 8 tiến sĩ, 351 thạc sĩ.
Đồng chí Đặng Tuyết Em khẳng định, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực sau gần 7 năm triển khai thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) trên lĩnh vực khoa giáo, song Tỉnh uỷ Kiên Giang xác định vẫn còn những hạn chế nhất định cần sớm khắc phục. Đó là tình trạng ly hôn, ly thân, không đăng ký kết hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình xuất hiện ngày càng nhiều, nạn bạo lực trong gia đình và xâm hại tình dục trẻ em, mua bán phụ nữ, môi giới phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì động cơ kinh tế vẫn còn xảy ra. Kết quả công tác xoá đói giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Trên lĩnh vực giáo dục, tình trạng trình độ giáo viên giữa các địa phương, ngành nghề không đồng đều chậm được khắc phục và tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên… Đồng chí cũng nhấn mạnh, mặc dù có tiến bộ tích cực trên lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, song chúng ta không thể chủ quan vì nguy cơ tái bùng phát “căn bệnh thế kỷ” còn tiềm ẩn ở mức cao, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch, thương mại và các địa phương vùng biên giới, hải đảo./.
Ý kiến ()