tle=”Kiên Giang: Phấp phỏng đợi lũ về”> Cánh đồng này lúa đang phát triển tốt nhưng nước lũ bắt đầu đe dọa. – Trở lại vùng tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang những ngày cuối tháng Tám, trời mưa rả rích. Trên những con kênh, nước đục ngầu, cuồn cuộn thoát nhanh ra biển Tây. Nước bắt đầu lên nhanh, lũ đang về!
Chiếc canô chở chúng tôi chỉ lao được vài cây số thì hỏng máy. Đoàn công tác “thị sát” vùng lũ bất đắc dĩ phải chuyển kế hoạch đi bằng đường bộ. Chúng tôi lội băng ngang một cánh rừng tràm, mới đến được nơi ô tô đậu. Do đường nhỏ, cầu nhỏ, nhiều đoạn chưa có đường, cầu nên đoàn nhiều lần đổi phương tiện di chuyển, lúc bằng xe gắn máy, khi bằng vỏ lãi và đôi lần phải cuốc bộ. Vùng sinh thái phèn mặn tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang gồm các huyện: Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên, nằm trong vùng thoát lũ chính từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ ra biển Tây. Tại đây, dòng chảy tràn từ Campuchia vào và được kiểm soát bằng hai đập Tha La, Trà Sư (tỉnh An Giang) rồi đổ vào các kênh, mương có chức năng rửa phèn, mặn và thoát lũ.
Ở Kiên Giang, lũ diễn biến chậm hơn so với các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp, nhưng kéo dài hơn bốn tháng, đến tháng 12 hàng năm mới dứt và đỉnh lũ rơi vào nửa cuối tháng 10.
Đồng chí Giang Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất cho biết: Trong ba năm liên tiếp 2000, 2001 và 2002 tại khu vực này đã xảy ra lũ lớn, cả một cánh đồng hàng trăm nghìn ha toàn nước là nước, không thể sản xuất, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Nhưng liền bảy năm liên tiếp, khu vực này không có lũ, mực nước chỉ cao hơn bình thường. Năm ngoái, lũ bất ngờ dâng cao, khiến 16 người chết, hơn 12 nghìn căn nhà bị ngập, gần 15.000ha lúa, hơn 300km đường bị thiệt hại, hư hỏng, 76 điểm trường bị bị ngập nước học sinh phải nghỉ…
Chủ quan là nguyên nhân chính khiến tác hại của trận lũ năm ngoái quá lớn. Cũng như năm ngoái, năm nay vùng tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang không được quy hoạch trồng lúa thu đông (còn gọi lúa vụ 3), nhưng người dân vẫn tự ý xuống giống gần 3 nghìn ha, trong số này nhiều cánh đồng không được bảo vệ bằng bất cứ một khuôn đê bao nào.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, Đào Xuân Nha lo lắng: “Mặc dù lúa phát triển tốt và còn khoảng 20 ngày nữa là bắt đầu thu hoạch, nhưng theo dự báo năm nay lũ về sớm và mực nước có thể cao hơn năm ngoái. Hiện nước bắt đầu lên nhanh, đe dọa ảnh hưởng đến diện tích lúa, nhất là những vùng không có đê bao. Năm ngoái, gần 100% diện tích bị thiệt hại, trong đó hơn 50% bị mất trắng”.
Tại cánh đồng lúa ấp Sơn An, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, ông Trần Văn An phấn khởi: “Cánh đồng này lúa đã sạ được khoảng 50 ngày rồi, đang phát triển rất tốt. Với trà lúa này, nếu không ảnh hưởng lũ phải sáu tấn một ha”.
“Nếu không ảnh hưởng lũ” có nghĩa là vẫn chưa ăn chắc, lũ có thể nhấn chìm bất cứ lúc nào. Anh Phan Văn Yên, tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp của xã Nam Thái Sơn cho biết: “Nhờ chúng tôi tuyên truyền, vận động rất quyết liệt nên diện tích gieo sạ vụ này chỉ khoảng 3% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong số này có 177ha nằm trong đê bao sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết, số còn lại rất nguy hiểm”- anh Phan Văn Yên lo ngại.
Chúng tôi đến Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hưng, ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, mặc dù quy mô của hợp tác xã chỉ bằng một tổ nhân dân tự quản với diện tích chỉ 84ha, 30 hộ tham gia, nhưng đây được xem là mô hình điểm, mỗi năm làm ba vụ ăn chắc của huyện Hòn Đất. Chú Mai Văn Ân, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã phấn khởi: “Vào hợp tác xã có rất nhiều cái lợi, tất cả diện tích đất của hợp tác xã đều được ngân sách hỗ trợ làm đê bao vững chắc, sản xuất an toàn cả ba vụ. Tới đây, hợp tác xã còn được nhà nước đầu tư đặt trạm bơm điện”.
Vào thời điểm này, hầu hết diện tích đất ở vùng này đều bỏ không, nhưng 84ha đất của hợp tác xã nông nghiệp Thái Hưng đều phủ kín một màu xanh của lúa và dưa hấu. “Năm ngoái 84ha lúa thu đông của hợp tác xã vẫn thu hoạch đạt gần 5 tấn/ha. Năm nay, hợp tác xã trồng “thử nghiệm” 34ha dưa hấu, cũng sắp thu hoạch, với giá như hiện tại khoảng 10.000đồng/kg, lãi cao hơn trồng lúa”. Mặc dù nông dân Mai Văn Ân rất tự tin, nhưng Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái, Tạ Văn Cầu thì ngược lại: “Chúng tôi tuyên truyền vận động rất dữ nhưng vẫn có đến 127ha lúa gieo sạ ngoài đê bao. Số diện tích này khó bảo đảm thu hoạch kịp lũ. Không chỉ vậy, số diện tích trong đê bao cũng bị ảnh hưởng mưa lũ và chất lượng lúa sẽ sụt giảm”.
Nếu như đỉnh lũ năm nay bằng đỉnh lũ năm ngoái, hoặc cao hơn thì không chỉ diện tích lúa không có đê bao ở huyện Hòn Đất và các huyện trong vùng tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang bị nhấn chìm trong nước lũ, mà diện tích lúa nằm trong đê bao cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Tuyên truyền là đúng, song việc người dân xé rào sản xuất theo sở thích cũng không phải hoàn toàn sai trái. Điều cần làm lúc này là ngành chuyên môn, chính quyền các cấp phải vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ người dân trong điều kiện có thể.
Theo Nhandan
Ý kiến ()