Kiên Giang: Nhân dân đóng góp hơn 600 tỷ đồng xây dựng huyện nông thôn mới
Tân Hiệp là huyện cửa ngõ của Kiên Giang được tỉnh chọn xây dựng “Huyện nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015. Huyện có 10 xã và 1 thị trấn, khoảng 30.100 hộ dân, với hơn 163.500 người, trong đó hộ sản xuất nông nghiệp chiếm gần 85%.
Tân Hiệp là huyện cửa ngõ của Kiên Giang được tỉnh chọn xây dựng “Huyện nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015. Huyện có 10 xã và 1 thị trấn, khoảng 30.100 hộ dân, với hơn 163.500 người, trong đó hộ sản xuất nông nghiệp chiếm gần 85%.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, nhân dân huyện Tân Hiệp đã đóng góp hơn 600 tỷ đồng xây dựng huyện nông thôn mới, bình quân 20 triệu đồng/hộ.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: kiengiangvn.vn) |
Để huy động nguồn lực trong dân, huyện Tân Hiệp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông hiểu và tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới bằng những đề án, kế hoạch chi tiết trên các lĩnh vực, xác định phần việc cụ thể, gồm: 16 công việc của xã, 12 công việc của ấp và 15 công việc của hộ gia đình cần làm. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội ý thức xây dựng nông thôn mới là “của dân, do dân và vì dân”, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho nhân dân làm khâu đột phá mà nền tảng là kinh tế hợp tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Nguồn vốn nhân dân đóng góp, huyện tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp trường học đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế, trụ sở nhà văn hóa ấp, giao thông nông thôn, kiên cố hóa cống thủy lợi, trạm bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Ngoài ra, nhân dân các xã, ấp còn đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng trên những đường làng, ngõ xóm, hàng rào cây xanh, cột cờ, trang trí ảnh Bác Hồ trong hộ gia đình… làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng cải thiện, văn minh, hiện đại.
Song song với nguồn lực đóng góp của nhân dân, huyện Tân Hiệp tăng cường huy động các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn, thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đào tạo nghề, văn hóa cơ sở… Sản xuất lúa năng suất 5 – 7 tấn/ha vụ hè thu, 8 – 10 tấn/ha vụ đông xuân và đặc biệt là mô hình cánh đồng mẫu lớn tạo nên lúa nguyên liệu chất lượng cao có thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Huyện chú trọng các chương trình trọng điểm chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hợp tác, cơ giới hóa, kiên cố hóa trạm bơm điện, tiêu thụ nông sản hàng hóa… trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, huyện Tân Hiệp có 3 xã đạt 14 – 15 tiêu chí xã nông thôn mới là Thạnh Đông A, Tân Hiệp B, Tân Hòa; 6 xã đạt 12 – 13 tiêu chí xã nông thôn mới là Thạnh Đông B, Thạnh Đông, Tân An, Tân Hội, Tân Thành và Thạnh Trị. Riêng xã Tân Hiệp A cơ bản đã đạt 19 tiêu chí đang đề nghị công nhận xã nông thôn mới trong năm nay. Huyện phấn đấu năm 2014 có thêm 3 xã đạt xã nông thôn mới là Thạnh Đông A, Tân Hiệp B và Tân Hòa. Xây dựng thị trấn Tân Hiệp trở thành đô thị loại 4 gắn với nông thôn mới.
Phấn đấu đến năm 2015 đạt “Huyện nông thôn mới”, Tân Hiệp tiếp tục xác định mục tiêu này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Huyện vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” trở thành phong trào sôi nổi, mạnh mẽ và thực hiện quyết liệt. Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước có vai trò định hướng, chỉ đạo, điều hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Huyện tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng xã hội và nhân dân nâng cao hơn nữa nhận thức xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, là chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… Huyện tập trung rà soát lại các tiêu chí chưa đạt, phân tích nguyên nhân, đánh giá thực trạng kết hợp với đề ra những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu phù hợp về huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện đúng lộ trình đạt kết quả. Huyện tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng kết cấu hạ tầng trên cơ sở huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa; tạo môi trường thông thoáng để mời gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh….
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()