Kiên Giang củng cố kinh tế tập thể
Nông dân tham quan mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở HTX nông nghiệp Hiệp Lợi (Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá) Trong thành quả sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Kiên Giang có sự đóng góp không nhỏ của kinh tế tập thể (KTTT). Tuy nhiên, hiện nay khu vực kinh tế này chiếm tỷ trọng khá thấp và có xu hướng giảm trong nền kinh tế và hoạt động của các mô hình KTTT đang có dấu hiệu sa sút. Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động cho KTTT đang được Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tập trung chỉ đạo.Khẳng định hiệu quảDiện tích đất sản xuất nông nghiệp và sản lượng lúa, thủy sản của tỉnh Kiên Giang đã vươn lên vị trí hàng đầu cả nước. Nhiều vùng đất bạc màu vì phèn mặn giờ đã trở thành những cánh đồng lúa, cánh đồng tôm cho năng suất và lợi nhuận cao. Những thành quả đó có phần đóng góp không nhỏ của những mô hình KTTT thực hiện trong thời gian qua. Trong số những mô hình này, tổ hợp tác và HTX là hai mô hình đang phát triển rất...
Nông dân tham quan mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở HTX nông nghiệp Hiệp Lợi (Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá) |
Khẳng định hiệu quả
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp và sản lượng lúa, thủy sản của tỉnh Kiên Giang đã vươn lên vị trí hàng đầu cả nước. Nhiều vùng đất bạc màu vì phèn mặn giờ đã trở thành những cánh đồng lúa, cánh đồng tôm cho năng suất và lợi nhuận cao. Những thành quả đó có phần đóng góp không nhỏ của những mô hình KTTT thực hiện trong thời gian qua. Trong số những mô hình này, tổ hợp tác và HTX là hai mô hình đang phát triển rất mạnh ở Kiên Giang. Hai loại hình này phát triển đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, với nội dung phương thức hoạt động có bước đổi mới, thực hiện theo Luật HTX. Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang Dương Minh Lịch, trong năm năm gần đây tỉnh Kiên Giang đã thành lập thêm được 841 tổ hợp tác và 85 HTX, nâng tổng số tổ hợp tác trong toàn tỉnh lên hơn 3.000 và hơn 190 HTX. Trong đó, có đến 147/190 HTX nông nghiệp, thu hút được 27.765 xã viên, với vốn điều lệ 75,436 tỷ đồng, diện tích canh tác 28.665 ha, với 157.020 lao động.
Đối với mô hình tổ hợp tác, nhiều địa phương như: Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, TP Rạch Giá… hoạt động mang lại hiệu quả cao, với các nội dung như hỗ trợ nhau trong các khâu: bơm tát, gieo sạ đúng lịch thời vụ, chuyển giao khoa học công nghệ, phòng trừ sâu bệnh… Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp Lê Văn Tuyền cho biết: “Các HTX đã làm tốt các khâu dịch vụ cơ bản trong sản xuất nông nghiệp. Tuy doanh thu của các HTX mang lại chưa như mong muốn, nhưng qua mô hình này đã có tác động lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ nông dân, góp phần giảm nghèo và đang là mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp khu vực nông thôn”. Ngoài lợi ích về kinh tế, các HTX cũng đã cùng với chính quyền cơ sở bảo đảm an ninh trật tự, vận động người dân thực hiện tốt các phong trào ở địa phương. Gần đây, nhiều mô hình KTTT mới, hiệu quả kinh tế cao xuất hiện như: Mô hình nhân giống lúa ở HTX nông nghiệp Thạnh Hòa, mô hình bao tiêu lúa ở HTX nông nghiệp 41, mô hình cho vay vốn xoay vòng ở HTX nông nghiệp Thuận Lợi, mô hình thành lập công ty trực thuộc ở HTX nông nghiệp dịch vụ thanh niên Xã Trắc…
Chất lượng sụt giảm
So với các mục tiêu mà Tỉnh ủy Kiên Giang đề ra tại Hội nghị tổng kết năm năm (2002-2006) thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang chỉ thực hiện đạt được 5/9 mục tiêu. Các nội dung chưa đạt là: Chưa xây dựng được từ một đến hai liên hiệp HTX; mỗi huyện, thị, thành xây dựng từ 10 đến 15 mô hình KTTT vững mạnh về mọi mặt và làm ăn có hiệu quả, vận động kết nạp 100% số HTX nông nghiệp, 85% số HTX phi nông nghiệp là thành viên Liên minh HTX; hơn 60% số HTX đạt khá giỏi; không còn HTX tồn tại hình thức. Ngoài ra, theo kết quả phân loại các HTX mới đây cho thấy, chất lượng hoạt động của loại hình KTTT có dấu hiệu đi xuống. Trong tổng số 185 HTX được phân loại, chỉ có 50 HTX đạt loại khá giỏi, 59 HTX xếp loại trung bình, có đến 25 HTX yếu kém và 29 HTX không hoạt động. So với năm năm trước, số HTX khá giỏi giảm từ 35,34% xuống còn 30,7%; HTX trung bình giảm từ 52,28% xuống còn 36,2%; HTX yếu kém và không hoạt động tăng từ 12,06% lên 33,1%.
Theo Liên minh HTX Kiên Giang, một vài HTX trước đây hoạt động khá tốt, thậm chí là điển hình tiên tiến trong hoạt động nhưng do vi phạm trong công tác quản lý tài chính, điều hành, làm mất niềm tin đối với xã viên, nên phải giải thể. Các HTX trung bình và yếu kém, phần lớn có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh hạn chế, lãi thấp hoặc không có lãi, nên không trích được quỹ, không trả thù lao cho ban chủ nhiệm, ban kiểm soát; không bố trí được kế toán hoặc bố trí kế toán lại kiêm luôn thủ quỹ, không lập sổ sách thu chi, sổ sách kế toán, thiếu công khai minh bạch trong quản lý điều hành và thu chi tài chính. Bên cạnh đó, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước còn khá phổ biến, cho nên nhiều HTX chưa mạnh dạn phát triển quy mô sản xuất, mở rộng dịch vụ, ngành nghề để tăng thu nhập. Một số HTX còn thu quỹ để chi phí, trả thù lao cho các thành viên trong ban chủ nhiệm, ban kiểm soát theo đầu công (ha); không tính đến phương thức tích lũy vốn trong tình hình lạm phát cao cho nên không những không bảo tồn được vốn mà còn bị mất vốn. Một số HTX huy động vốn của cá nhân để sản xuất, kinh doanh, nhưng lợi nhuận thu được không trích quỹ sản xuất, quỹ dự phòng và các quỹ khác, vi phạm Luật HTX và Nghị định 177/2004/NĐ-CP của Chính phủ…
Tháo gỡ khó khăn
Tỉnh ủy Kiên Giang thừa nhận, hiện, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT. Trong chỉ đạo, lãnh đạo thiếu kiên quyết, thiếu kiểm tra, đôn đốc; nhận thức về HTX kiểu mới của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế, tư tưởng hoài nghi đối với mô hình HTX kiểu cũ vẫn còn tồn tại, không phân biệt được sự khác nhau giữa mô hình HTX kiểu mới và kiểu cũ, với tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX tính khả thi không cao, chậm cụ thể hóa và thiếu đồng bộ và còn buông lỏng trong công tác quản lý… Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn cho biết, tỉnh vừa đề ra Chương trình củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, phấn đấu 90% số HTX hoạt động có lãi, trong đó 50% số HTX khá giỏi, hạn chế thấp nhất HTX yếu kém. Chỉ tiêu quan trọng nhất cần phấn đấu thực hiện là đưa thu nhập bình quân của xã viên, người lao động trong HTX đạt 50 triệu đồng/hộ/năm trở lên.
Để thực hiện, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung chỉ đạo phát triển và củng cố các tổ hợp tác bằng các biện pháp vận động, hỗ trợ, thành lập các tổ hợp tác ở những nơi có điều kiện, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thường xuyên sơ kết, tổng kết để xây dựng phương án hợp tác hằng vụ, hằng năm; phát hiện và giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện; vận động đưa những tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả tiến lên thành lập HTX. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Tổ chức tổng kết hoạt động hằng vụ, hằng năm; mở rộng các dịch vụ, phát triển quy mô sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm hoạt động có lãi cao, hạch toán kinh doanh, chia lợi nhuận cho xã viên và quan tâm đến công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong xã viên. Trong nông nghiệp, phát triển mô hình HTX kinh doanh tổng hợp, chú trọng đến khâu tiêu thụ và chế biến nông sản; thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất như ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phòng, chống dịch bệnh, cung ứng vật tư, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch… tăng cường huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.
Đối với các HTX trung bình, thực hiện có chọn lọc những nội dung nâng cao hiệu quả của các HTX khá. Quan tâm chỉ đạo tốt khâu công khai minh bạch trong công tác điều hành, quản lý và thu chi tài chính.
Đối với các HTX không có báo cáo thu, chi tài chính rõ ràng thì UBND các huyện, thị, thành phố cần chỉ đạo thanh, kiểm tra, xử lý, uốn nắn. Các HTX yếu kém, cần xem xét cặn kẽ nguyên nhân để chấn chỉnh. Giải thể các HTX không hoạt động để thành lập mới các HTX ở những nơi đủ điều kiện. Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang cần vận dụng tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc củng cố và nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX.
Theo Nhandan
Ý kiến ()