Kiên định mục tiêu lớn của chính sách tiền tệ
Kết thúc năm 2013, kinh tế vĩ mô ổn định và dần phục hồi với mức tăng GDP đạt 5,4%, lạm phát được kiểm soát ở mức 6,04%, thâm hụt thương mại giảm mạnh, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức tương đối hợp lý, mặt bằng lãi suất thấp, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được lành mạnh hóa và bảo đảm an toàn, tỷ giá được duy trì ổn định, thị trường vàng được lập lại trật tự... Trong sự thành công chung đó có vai trò không nhỏ của hệ thống ngân hàng.
Trước hết là, kiềm chế lạm phát. Cuối năm 2011, lạm phát hơn 18%. Ðến cuối năm 2012 là 6,81% và được giữ ổn định trong suốt năm 2013, bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 6% của Chính phủ. “Con ngựa bất kham” lạm phát đã được ghìm cương.
Thứ hai là, ổn định được tỷ giá đồng Việt Nam và tăng được dự trữ ngoại hối. Tại thời điểm cuối năm 2011, dự trữ ngoại hối bị suy kiệt chỉ còn mức 6,5 tuần nhập khẩu tương đương 7 tỷ USD. Trong hai năm qua, dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu, tương đương khoảng 30 tỷ USD, làm gia tăng lòng tin đối với đồng tiền quốc gia, bổ sung nguồn lực để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát, ổn định thị trường.
Thứ ba là, vừa kiềm chế được lạm phát, vừa giảm được lãi suất và bảo đảm thanh khoản của hệ thống TCTD. Nếu như ở thời kỳ trước, để chống lạm phát cần tăng lãi suất. Hiện lạm phát được kiềm chế đồng thời mặt bằng lãi suất giảm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Thanh khoản hệ thống TCTD được bảo đảm, lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, hỗ trợ giảm các mức lãi suất cho vay huy động trên thị trường I. Lãi suất thị trường huy động vốn từ quý IV-2011 tới nay cũng được thiết lập lại trật tự, mặt bằng lãi suất huy động giảm từ mức 14%/năm năm 2011 xuống mức 8%/năm cuối năm 2012 và khoảng 5% – 7,5%/năm hiện nay. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhanh từ mức 20%/năm vào giữa năm 2011 xuống 10% – 15% trong năm 2012 và duy trì ổn định ở mức 9% – 11% trong năm 2013, trong đó lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt hiện nay ở mức 6,5-7%/năm.
Thứ tư là, cùng với giảm mặt bằng lãi suất, chính sách tín dụng được điều hành linh hoạt theo hướng nới tín dụng gắn với an toàn trong hoạt động để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ năm là, giải quyết những vấn đề nội tại tiềm ẩn của ngành như chống USD hóa, vàng hóa. NHNN đã đưa mức dự trữ ngoại hối quốc gia lên trên mức 12 tuần nhập khẩu mà không gây ra phản ứng phụ như tăng lạm phát hay sóng tỷ giá. Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm và còn ở mức 12% so với mức 15,8% năm 2011. Tình trạng găm giữ vàng trong dân chúng cũng như thị trường vàng đã tồn tại nhiều năm dần được cải thiện đáng kể.
Có thể dẫn chứng bằng việc thực hiện Ðề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, ngành ngân hàng đã xây dựng, triển khai và thực hiện thể hiện tính ưu việt so với các chương trình trước đây.
Kết quả của thực hiện đề án tái cơ cấu giúp cải thiện và bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống TCTD, 9/9 NHTM yếu kém đã được tái cơ cấu sáp nhập trên nguyên tắc tự nguyện giúp hoạt động của hệ thống lành mạnh hóa, từng bước xử lý nợ xấu và tăng năng lực tài chính cho các NHTM…
Với sự so sánh dễ nhận thấy giữa kết quả đạt được hiện nay và những gì đã diễn ra cuối năm 2011 khi mà lạm phát ở mức cao (18,13%), lãi suất cho vay tăng cao lên đến hơn 20% và kéo dài từ năm 2009 – 2011; thanh khoản của hệ thống NHTM gặp khó khăn, lãi suất cho vay liên ngân hàng lên tới 30% – 40%; nợ xấu tăng nhanh, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản hàng loạt, đời sống người dân khó khăn và thiếu niềm tin vào điều hành kinh tế; thậm chí có cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế, hay còn gọi là “suy thoái kép” ở Việt Nam cho thấy những thành công quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Ðiều còn đặc biệt hơn, đặc thù hơn riêng có ở Việt Nam là ngoài việc điều hành thành công chính sách tiền tệ, NHNN còn tham mưu đắc lực cho Chính phủ trong xử lý các vấn đề vĩ mô không thuộc chính sách tiền tệ mà phần nào có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho chương trình nhà ở xã hội, tái canh cây cà-phê, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các TCTD trong nước cũng đã tham gia và trúng thầu 130 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên tổng số 180 nghìn tỷ đồng phát hành trong năm 2013 (khoảng hơn 72%). Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, NHNN đã trực tiếp tham gia xúc tiến đầu tư một cách chủ động có hiệu quả ở ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trên cả ba bình diện: Chủ trì, vận động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng miền khó khăn; Xây dựng các giải pháp và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho đầu tư tại vùng; đồng thời trực tiếp thực hiện an sinh xã hội hàng nghìn tỷ đồng. Ðó là trách nhiệm với sự phát triển của những vùng, miền còn khó khăn, là giải pháp thiết thực góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Theo đánh giá của Quốc hội, Chính phủ, nhiều cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế (IMF, WB), việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam từ giai đoạn tháng 8-2011 đến nay là đặc biệt thành công, góp phần đắc lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định hoạt động hệ thống ngân hàng, tỷ giả hối đoái và thị trường vàng. Việc đánh giá cho thấy những nỗ lực của ngành, của ban lãnh đạo NHNN đã được nhìn nhận, đánh giá và ghi nhận, tuy để đạt được kết quả trên là cả một quá trình đầy chông gai, thử thách mà Ban Thống đốc bằng tài năng và sự dũng cảm đã vượt qua để kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tích cực hỗ trợ điều hành kinh tế quốc gia.
Ðịnh hướng điều hành kinh tế – xã hội của năm 2014 và giai đoạn 2014-2015 được Chính phủ và Quốc hội xác định là: “tập trung ưu tiên cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội”, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2014: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; kiểm soát lạm phát dưới 7%; vốn đầu tư toàn xã hội 30% GDP; tăng trưởng xuất khẩu 10%…
Ðể đạt mục tiêu do Quốc hội, Chính phủ đề ra, từ góc độ là ngân hàng thương mại, xin đề xuất một số nội dung sau:
Ðiều hành hoạt động ngành ngân hàng tiếp tục đóng góp, hỗ trợ cho phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chính sách tiền tệ cần tiếp tục phát huy trọng trách trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Với việc kiểm soát được lạm phát trong hai năm 2012, 2013 vừa qua, để thúc đẩy tăng trưởng GDP những năm sắp tới, cần đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng – là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế ở mức cao hơn năm 2013 và tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Có như vậy mới vực dậy sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế đã đạt trước đây, cụ thể:
Chính sách tín dụng: Tiếp tục các biện pháp tháo gỡ “nút thắt” tăng trưởng tín dụng như: hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng. Ðề xuất NHNN xem xét đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 đến 15% trong năm 2014. Ðặc biệt, Công văn số 7558/NHNN-TD là việc mở nút thắt nguồn vốn tín dụng cho sản xuất như: Kéo dài thời gian thực hiện đến hết ngày 31-3-2014 và không chuyển nhóm nợ xấu đối với các khoản cho vay mới, hỗ trợ các doanh nghiệp có khó khăn nhưng có khả năng trả nợ, điều chỉnh hạ lãi suất nhà ở xã hội giảm thêm 1-2% để hỗ trợ người mua nhà, hỗ trợ sức cầu cho bất động sản, người thu nhập thấp, làm công ăn lương.
Chính sách lãi suất:
Tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất ổn định, ở mức hợp lý và bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương để hỗ trợ doanh nghiệp; xem xét tiếp tục triển khai quá trình tự do hóa lãi suất: gỡ bỏ trần lãi suất huy động VND khi thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản của TCTD được bảo đảm. Tạm thời tiếp tục duy trì trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (do hoạt động SXKD của doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn).
Về triển khai đề án tái cơ cấu theo QÐ 254: Ðề xuất NHNN tiếp tục phối hợp các bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, trong đó tập trung vào việc ban hành các quy định hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm như phối hợp với Bộ Tài chính xem xét việc miễn giảm thuế cho các hoạt động mua bán nợ, miễn giảm thuế thu nhập, VAT cho Công ty VAMC; Bộ Tư pháp sớm hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm; Lộ trình thực thi một số văn bản quan trọng về quản lý rủi ro như Thông tư 02/2013/TT-NHNN, dự thảo thay thế Thông tư 13/2010/TT-NHNN về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; hạn chế nợ xấu mới phát sinh và phấn đấu đến năm 2015 xử lý xong số nợ xấu hiện nay.
Về công tác truyền thông: Cần tăng cường các biện pháp truyền thông để công luận hiểu về hoạt động của ngành Ngân hàng, không chỉ mổ xẻ những hạn chế mà còn đánh giá khách quan về những kết quả tích cực đã đạt được, những khó khăn, thách thức mà các ngành khác cùng chung tay với ngành Ngân hàng để phối hợp giải quyết, qua đó củng cố niềm tin thị trường đối với nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()