Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
Trong các ngày 26 và 28-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc cử tri quận 1, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, gồm đại diện các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và các vị lão thành cách mạng và tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp, chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp.
Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, hầu hết ý kiến phát biểu đều bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII.
Khác với thường lệ mà chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến tại các hội nghị tiếp xúc, lần này, để lại phía sau những tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn liên quan đời sống xã hội cần đề xuất, kiến nghị, các cử tri đã nêu lên những bức xúc khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Hoàn toàn tán thành lập trường, quan điểm, giải pháp và biện pháp của Ðảng và Nhà nước ta đối với hành động sai trái này. Cử tri đề nghị Ðảng và Nhà nước ta cần tiếp tục có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa đối với tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, nguy hiểm đang diễn ra ở Biển Ðông do phía Trung Quốc gây nên.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, để hiểu đúng đắn và đầy đủ về phương cách hành xử của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trước hành động sai trái, ngang ngược của Trung Quốc trong những ngày này, chúng ta cần nhận thức rõ hơn nữa đường lối đối ngoại do Ðảng ta khởi xướng và tổ chức thực hiện từ Ðại hội lần thứ VI. Ðó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Chung sống hòa bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Ðường lối đó đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử sau gần 30 năm đổi mới phát triển đất nước. Và cũng nhờ đó, chúng ta đã là bạn, là đối tác tin cậy của 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðảng ta có quan hệ hợp tác, hữu nghị với 190 đảng cầm quyền. Vì vậy, trong quan hệ ở phương diện quốc gia không có chỗ đứng cho khái niệm nước lớn, nước bé; sợ hoặc không sợ mà chỉ có tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Càng gặp khó khăn, thách thức càng phải kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập trong bối cảnh tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi những năm qua đã tăng trưởng khá nhanh. Mọi văn bản về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển được ký kết một cách cẩn trọng và chặt chẽ. Thế nhưng, trong khâu tổ chức thực hiện đã để xảy ra những sơ hở, thua thiệt do chính chúng ta gây nên chứ không phải do các đối tác nước ngoài, trong đó có Trung Quốc ép chúng ta phải lệ thuộc vào họ.
Giải tỏa những băn khoăn, bức xúc chính đáng của cử tri về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bộc bạch: Cũng tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp QH lần thứ bảy, tôi đã khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế. Nối tiếp ý chí quật cường và truyền thống lấy hòa hiếu làm mục tiêu tối thượng của dân tộc Việt Nam, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất, từng sải nước biển của Tổ quốc bằng mọi giải pháp hòa bình.
Trước ý kiến của nhiều đại biểu cử tri cần phải khởi kiện Trung Quốc về chủ quyền biển, đảo ra Tòa án quốc tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: Việt Nam là nước nhỏ, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bằng chính sức mạnh nội tại, bằng đạo lý và lẽ phải, bằng sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế và bằng cả giải pháp pháp lý vào những thời điểm thích hợp. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bằng mọi biện pháp hòa bình sẽ diễn ra ngày càng khó khăn phức tạp, đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đồng tâm, hiệp lực triển khai thực hiện bằng trái tim nóng với khối óc bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt.
Có thể nói, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển nước ta, con tim của mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài cùng chung một nhịp đập hướng về Biển Ðông, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải khơi dậy lòng yêu nước, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để nó tạo thành nguồn động lực to lớn thúc đẩy mọi công dân làm hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm hết sức mình để cộng đồng các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu đúng, hiểu đầy đủ về Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; coi trọng việc củng cố, tăng cường tình đoàn kết láng giềng, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, lòng yêu nước phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Có một nền kinh tế quốc dân độc lập, tự chủ đủ mạnh thì mới bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Ðoàn kết triệu người như một để phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thực lực quốc gia đó là cách thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước của mỗi công dân trong những ngày tháng này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất trong các cuộc kháng chiến cứu nước, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất, kinh doanh để trở thành đầu tàu kinh tế lớn nhất nước. Và đây cũng là cái nôi của nhiều phong trào thi đua khơi dậy sức mạnh của nhân dân đưa đất nước vượt những khó khăn, thách thức. Truyền thống đó cần được khơi dậy để đưa nền kinh tế quốc dân nhanh chóng thoát ra khỏi sự trì trệ, thiếu bền vững về tốc độ tăng trưởng. Cần mạnh dạn, dũng cảm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thương trường thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðoàn đại biểu QH thành phố đã dành buổi sáng qua, 28-6, nghe các chủ doanh nghiệp, chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp báo cáo về tình hình và kết quả, thuận lợi và khó khăn trong sản xuất, kinh doanh những tháng qua. Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Chủ tịch nước nhấn mạnh, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp là rường cột nắm giữ vai trò quyết định trong việc lấy lại đà tăng trưởng kinh tế của một trung tâm kinh tế đầu tàu của đất nước. Ðể nâng cao tính độc lập, tự chủ của kinh tế quốc dân, các cấp, các ngành huy động mọi nguồn lực phát triển công nghiệp phụ trợ để vừa tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm nhập siêu nguyên liệu, vật liệu đầu vào cho sản xuất; nâng cao tỷ lệ nội địa cho các mặt hàng xuất khẩu kể cả trên lĩnh vực chế biến xuất khẩu sản phẩm hàng hóa nông sản, thủy sản. Chăm lo phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðiều quan trọng mang tính quyết định là các doanh nghiệp chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ mọi rào cản mở đường cho sản xuất, phát triển. Thông qua tổng kết thực tiễn từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giỏi, TP Hồ Chí Minh cần sớm đề xuất với Trung ương các giải pháp mang tính đột phá về cơ chế, chính sách để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, lấy lại đà tăng trưởng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn TP Hồ Chí Minh sẽ đi trước, về đích trước trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()