Kiên cố hóa trường lớp học: Nỗ lực của ngành giáo dục
– Thời gian qua, số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng mạnh, tạo áp lực về cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, song bằng sự nỗ lực, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực huy động các nguồn vốn để kiên cố hóa trường lớp học, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy học cho các nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định học tập trong môi trường đảm bảo an toàn
Theo tìm hiểu, năm học 2016 – 2017 toàn tỉnh có 743 trường học, tuy nhiên mới chỉ có 164 trường đạt trường chuẩn quốc gia và hơn 5.200 phòng học kiên cố, chiếm khoảng 60% số phòng học đang sử dụng. Bởi vậy, trong những năm học vừa qua, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực triển khai công tác rà soát, sắp xếp lại các trường học; thực hiện tốt các đề án kiên cố hóa trường lớp học của trung ương và của tỉnh. Qua sắp xếp, sáp nhập các trường học, đến nay, toàn tỉnh còn 660 trường học. Ngoài ra, với những nỗ lực trong công tác kiên cố hóa trường lớp học, hiện có 277 trường đạt trường chuẩn quốc gia (tăng 113 trường so với năm 2016 – 2017); toàn tỉnh có 8.091 phòng học, trong đó có 6.430 phòng kiên cố. So với quy mô giáo dục hiện tại, số phòng học cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp để học 2 buổi/ngày.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để có được kết quả đó, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực rà soát cơ sở vật chất, thực hiện triển khai hiệu quả các đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hỗ trợ xây dựng cơ ở vật chất trường lớp học trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, đơn vị tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp học, ưu tiên phòng học xuống cấp mà chưa có dự án đầu tư, các điểm trường vùng khó khăn và những trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ngoài ra, sở cũng hướng dẫn các đơn vị, trường học huy động nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở vật chất tại chỗ cho nhà trường.
Theo đó, tính riêng từ năm học 2016 – 2017 đến nay, với nguồn hỗ trợ của Trung ương, sở đã tích cực triển khai, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2017 – 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh. Qua thực hiện toàn tỉnh có 308 phòng học được xây dựng mới tại 89 điểm trường, với tổng nguồn vốn xây dựng gần 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, sở đã tích cực rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh và các huyện, thành phố bố trí kinh phí để hỗ trợ xây dựng trường, lớp học, nổi bật là từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo thống kê chưa đầy đủ của ngành giáo dục tỉnh, tính riêng trong giai đoạn từ năm 2016 – 2017 đến nay, thông qua các nguồn vốn từ nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau của tỉnh, đã có hơn 800 phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc; 120 phòng, bếp ăn và 337 nhà vệ sinh được xây dựng mới, cại tạo, sửa chữa tại các nhà trường, với tổng kinh phí thực hiện hơn 900 tỷ đồng. Qua đó, giúp cho nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn.
Có thể kể đến như Trường Tiểu học xã Quốc Khánh, xã biên giới của huyện Tràng Định vừa được đưa vào sử dụng đầu năm học 2023 – 2024. Trao đổi với chúng tôi, cô Triệu Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngôi trường trước đây được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện dạy học, nên từ năm học 2021 – 2022, nhà trường đã được đầu tư xây dựng mới với hơn 20 phòng học, phòng chức năng, phòng thư viện; cùng khu nhà bếp và nhà ăn bán trú, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới là hơn 14 tỷ đồng. Qua đó, trường được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
Được biết, cùng với tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sở cũng chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, cải thiện mạng lưới trường lớp học tại chỗ. Qua đó, hỗ trợ tích cực các hoạt động xây dựng, sửa chữa hệ thống trường, lớp trong toàn tỉnh. Theo báo cáo của ngành giáo dục và đào tạo, từ năm học 2017 – 2018 đến nay, toàn ngành đã kêu gọi, vận động hỗ trợ xã hội hóa được hơn 100 tỷ đồng và trên 36.000m2 đất hỗ trợ các hoạt động, công tác giáo dục và xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn tỉnh.
Nhiều trường, lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố, nên các thầy, cô, nhất là đội ngũ giáo viên công tác ở những khu vực vùng sâu, vùng xa yên tâm hơn khi bám trường, bám lớp; phụ huynh phấn khởi khi con em mình được ăn, ở, học tập trong điều kiện đảm bảo; học sinh cũng tích cực tới trường để học tập, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đầu cấp ra lớp, và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần trong các nhà trường. Ghi nhận trong 3 năm học trở lại đây (từ năm 2020 – 2021), ở cấp mầm non, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp luôn đạt trên 99,9%; cấp tiểu học tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt trên 99,9%.
Em Đồng Thị Anh Thư, học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: Chúng em rất vui khi những ngày đến trường được học tập trong trường lớp học kiên cố, ngoài ra ở trường còn có phòng thư viện để đọc sách, có sân chơi cho chúng em vui chơi sau giờ học… những điều đó đã tạo thêm động lực để chúng em chăm chỉ đến trường học tập mỗi ngày.
Mặc dù đã nỗ lực trong thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, song do ngân sách đầu tư còn hạn chế, nên hiện ở các cấp học vẫn còn một số phòng học tạm, học nhờ. Cùng đó, hiện tại, nhiều huyện, thành phố vẫn đang thiếu phòng học, tập trung nhiều ở thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng, Văn Lãng, Cao Lộc. Bởi vậy, trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh, mong rằng các cấp, ngành, tổ chức xã hội… tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho công tác kiên cố hóa trường, lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách bằng các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển giáo dục. Nhờ đó, trong 10 năm qua, đã có nhiều đề án của tỉnh về đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục được triển khai, tiêu biểu như: Đề án đầu tư xây dựng nhà bếp cho trường mầm non, nhà bếp liền kề nhà ăn cho trường phổ thông dân tộc bán trú (Quyết định số 18/UBND-GDĐT, ngày 12/1/2016 của UBND tỉnh). Từ năm 2016 đến nay, đã hoàn thành 59 bếp cho trường mầm non; 35 bếp và nhà ăn cho trường bán trú, 8 bếp và 9 nhà ăn cho trường bán trú (đạt 100%). Tổng kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện và huy động xã hội hóa là hơn 50 tỷ đồng. Đề án đầu tư xây dựng các trường mầm non chưa có cơ sở vật chất riêng (Quyết định số 219/UBND-GDĐT, ngày 12/4/2017), từ năm 2017 đến nay đã cơ bản đã hoàn thành 37 phòng học, 13 phòng chức năng và 9 nhà bếp cho 13 trường mầm non (đạt 100%). Tổng kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện và huy động xã hội hóa là trên 41,1 tỷ đồng. Đề án xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh cho các trường, điểm trường mầm non và phổ thông (Quyết định số 838/QĐ-UBND, ngày 8/5/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn), năm 2019 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 193 nhà vệ sinh xây mới và sửa chữa 103 nhà vệ sinh (đạt 100%). Tổng kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện và huy động xã hội hóa hơn 41,4 tỷ đồng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng, triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển giáo dục như: Đề án Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2025 (Quyết định số 2078/UBND-GDĐT, ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn) với tổng nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Tổng kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học từ ngân sách trung ương là hơn 870 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 207 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 282 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học sử dụng nguồn vốn ngân sách cân đối cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo là hơn 517 tỷ đồng. |
Ý kiến ()