LSO- Trong cái rét như cắt da, cắt thịt, toàn bộ người dân 3 thôn Ngọc Trí, Ngọc Quyến và Ngã Tư, xã Tô Hiệu (Bình Gia) đã đổ dồn về tuyến mương dưới chân đập Rọ Nặm. Bất chấp gió bấc mưa phùn, không quản cái lạnh đến thấu xương, sức dân dồn đến đâu từng đoạn mương được bê tông hóa đến đó, cứ thế con mương đất tự ngày xưa cứ ngày càng ngắn lại.Nhắc đến cánh đồng xã Tô Hiệu, người ta nghĩ ngay tới cánh đồng trọng yếu trên địa bàn các thôn Ngọc Trí, Ngọc Quyến và Ngã Tư. Trọng yếu không những bởi đây là cánh đồng rộng nhất xã, mà còn bởi vị trí của nó, ngay sát với thị trấn Bình Gia, thuận tiện cho phát triển sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Quan trọng là thế, nhưng từ trước đến nay, cánh đồng này được gọi là “đồng hạn”. Không phải là không có công trình thủy lợi nào xung quanh đó, đập Rọ Nặm dường như quanh năm ăm ắp nước. Thế nhưng ngặt một nỗi, dẫn nước về nơi...
LSO- Trong cái rét như cắt da, cắt thịt, toàn bộ người dân 3 thôn Ngọc Trí, Ngọc Quyến và Ngã Tư, xã Tô Hiệu (Bình Gia) đã đổ dồn về tuyến mương dưới chân đập Rọ Nặm. Bất chấp gió bấc mưa phùn, không quản cái lạnh đến thấu xương, sức dân dồn đến đâu từng đoạn mương được bê tông hóa đến đó, cứ thế con mương đất tự ngày xưa cứ ngày càng ngắn lại.
Nhắc đến cánh đồng xã Tô Hiệu, người ta nghĩ ngay tới cánh đồng trọng yếu trên địa bàn các thôn Ngọc Trí, Ngọc Quyến và Ngã Tư. Trọng yếu không những bởi đây là cánh đồng rộng nhất xã, mà còn bởi vị trí của nó, ngay sát với thị trấn Bình Gia, thuận tiện cho phát triển sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Quan trọng là thế, nhưng từ trước đến nay, cánh đồng này được gọi là “đồng hạn”. Không phải là không có công trình thủy lợi nào xung quanh đó, đập Rọ Nặm dường như quanh năm ăm ắp nước. Thế nhưng ngặt một nỗi, dẫn nước về nơi “bờ xôi, ruộng mật” này chỉ là một con mương đất, già nua, xuống cấp.
Ông Nông Ngọc Xứng, thôn Ngọc Trí chậm rãi kể: Nước chưa đi được một nửa đường đã thất thoát hết, ruộng cứ khô cong mà nước thì ngấm tràn cả ra đường nhựa. Không phải riêng 1 mẫu ruộng của gia đình ông, mà toàn bộ cánh đồng hầu như chỉ canh tác được một vụ. Gia đình nào “liều” làm 2 vụ thì coi như “đánh bạc với trời”, năm được, năm mất.
Xác định đây là cánh đồng quan trọng của địa phương, ngay từ những ngày đầu năm 2011, UBND huyện Bình Gia đã quyết định đầu tư kiên cố hóa toàn bộ tuyến mương dài 1,4km từ đập Rọ Nặm chạy thẳng đến trung tâm cánh đồng. Ông Lương Trương Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bình Gia đã sử dụng vốn sự nghiệp thủy lợi của huyện, phân bổ một phần xi măng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh năm 2011 và huy động sức dân để đầu tư công trình trên, tổng vốn đầu tư ước khoảng trên 400 triệu đồng, không chỉ có ý nghĩa về chống hạn mà công trình còn góp phần thoát nước cho tuyến đường giao thông.
Kiên cố hóa kênh mương ở xã Tô Hiệu (Bình Gia)
Niềm vui bất ngờ đến với nhân dân ba thôn của Tô Hiệu, không quản sự khắc nghiệt của thời tiết, ngày nào nhân dân địa phương cũng góp sức cùng đơn vị thi công từ sáng sớm cho đến tối mịt. Nhà không ở gần đường, tuổi cũng đã bước sang thất thập, nhưng hôm nào ông Xứng cũng ra quan sát công trình, cứ mỗi đoạn mương hoàn thành là ông vui ra mặt, đứng ngồi không yên, cũng “chộn rộn” lắm. Anh Nguyễn Văn Tý, chủ đơn vị thi công cho biết: Nhân dân địa phương rất nhiệt tình, giúp đỡ được cho đơn vị thi công nhiều khâu công việc quan trọng và cũng nhờ thế mà tiến độ công trình được đẩy nhanh lên hắn, bất chấp trong thời gian qua có những ngày mưa phùn, gió bấc, cứ với tiến độ này, thì công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay trong quý I/2011.
Ngay trong những ngày rét đậm, rét hại, được sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân Tô Hiệu đã chung sức hoàn thành công trình quan trọng đối với địa phương, khởi đầu cho một năm sản xuất thuận lợi. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi 2011 là năm đầu tiên xã điểm Tô Hiệu bước vào xây dựng nông thôn mới.
Vũ Lê Minh
Ý kiến ()