Hiện tại, việc chỉnh trang đã gần hoàn thành. 700 hiện vật đặc sắc được lựa chọn từ hàng nghìn hiện vật thu được qua các đợt khai quật di chỉ khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu sẽ được giới thiệu vào dịp Đại lễ tại phòng trưng bày thuộc Nhà Cục tác chiến, Nhà N31 và N33. Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phục dựng lại nơi Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu họp đưa ra những quyết sách quan trọng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ tại hầm nhà D67.
Tại khu di chỉ 18 Hoàng Diệu, Phó Thủ tướng đã nghe đại diện Viện Khoa học xã hội Việt Nam trình bày các phương án trưng bày, giới thiệu hiện vật tại đây cùng công tác bảo quản di vật, bảo vệ di sản. Việc chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan cũng đang được Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện khẩn trương và nghiêm túc, phần lớn khối lượng công việc đã hoàn thành. Khu trưng bày sẽ như một bảo tàng ngoài trời, các vật liệu kiến trúc thu được qua các đợt khai quật được sắp xếp như một kho mở, phân loại theo từng thời kỳ và chất liệu. Từ ngày 2-10, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan.
* Ngày 16-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư họp đánh giá công tác chuẩn bị và thống nhất kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo dự.
Đến nay đã có 144 báo cáo khoa học, trong đó có 23 báo cáo của các nhà nghiên cứu nước ngoài được tập hợp. Các báo cáo đều tập trung nghiên cứu những giá trị truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong lịch sử phát triển 1000 năm của Thủ đô Hà Nội; những thuận lợi, nguồn lực, thế mạnh, cơ hội phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; những khó khăn thách thức cần vượt qua trong lộ trình phát triển; đề xuất giải pháp xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong những thập kỷ tới; góp phần đánh giá, tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; trao đổi ý kiến, tổng kết những kết quả nghiên cứu về Thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nhằm góp phần xây dựng chiến lược, chính sách quản lý và phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội…
Hội thảo sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 9-10-2010, với khoảng 500 khách mời.
* Ngày 16-9, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) tổ chức khai trương chương trình thử nghiệm xe buýt khớp nối trên mạng lưới xe buýt Hà Nội. Đây là một trong các hạng mục của dự án Hà Nội Ecotrans do Liên minh châu Âu (EU) và vùng Ile de France (Pháp) tài trợ. Xe buýt khớp nối dài 18 m, rộng 2,4 m, trọng tải 28 tấn, ba cửa lên xuống, có thể chở được tối đa 350 hành khách. Đây là phương tiện giao thông phổ biến ở châu Âu, nhưng lần đầu tiên vận hành tại Hà Nội. Xe buýt khớp nối được bàn giao cho Tổng công ty Vận tải Hà Nội, hoạt động trên tuyến số 07, từ bến xe Mỹ Đình đi sân bay quốc tế Nội Bài, giá vé 4.000 đồng/khách/lượt. Việc đưa xe buýt khớp nối vào vận hành, góp phần giảm quá tải trên các tuyến đường giao thông trọng điểm cửa ngõ phía bắc thành phố bao gồm đường bắc Thăng Long – Nội Bài, đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, giảm tải trực tiếp cho tuyến số 07 cũ và tạo hành lang trung chuyển đối với các tuyến buýt trên trục bắc Thăng Long – Nội Bài. Việc đưa xe buýt khớp nối hoạt động cũng là dịp các cơ quan chức năng của thành phố thử nghiệm, đánh giá, lấy kinh nghiệm để triển khai mô hình xe buýt nhanh, khối lượng lớn ở Hà Nội trong điều kiện hạ tầng hiện nay.
* Tối 16-9, tại Công viên Bách Thảo (Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội “Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội phối hợp Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội Xuất nhập khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam và các địa phương đại diện các vùng nghề toàn quốc tổ chức.
* Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 16-9, tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp Công ty CP Phát triển truyền thông Việt Nam, Công ty CP Du lịch Bát Tràng tổ chức khánh thành đôi rồng được thiết kế theo hình tượng rồng thời Lý lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Mỗi hình tượng rồng có chiều dài 15 m đã cuộn khúc, điểm cao nhất 7,5 m, được làm bằng khung thép, bên ngoài trang trí bằng các vật liệu gốm sứ Bát Tràng.
Ý kiến ()