Kiểm tra nghiêm, xử phạt nặng
LSO-Năm 2016, song song với vận động tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người sản xuất kinh doanh và sử dụng thực phẩm, công tác thanh, kiểm tra, giám sát và quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được tăng cường.
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại Siêu thị Thành Đô (thành phố Lạng Sơn) |
Tăng tần suất thanh, kiểm tra
Năm 2016, toàn tỉnh đã thành lập 520 đoàn, đội thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 7.285 lượt cơ sở, chiếm 99,5% tổng số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Phát hiện 916 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 12,5%), phạt cảnh cáo 217 cơ sở và xử lý 485 cơ sở với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.
So với năm 2015, số cơ sở được thanh, kiểm tra tăng 18,65%, số cơ sở vi phạm tăng 28,5%; số cơ sở vi phạm bị xử lý tăng 73,2%. Nếu năm 2015, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền chỉ chiếm 39,3% so với số cơ sở vi phạm, thì năm nay, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền đã chiếm 52,9% so với cơ sở vi phạm. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP cho biết: Xử phạt nghiêm và đúng pháp luật luôn là một trong những giải pháp mang tính răn đe cao. Vì trên thực tế, những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khi có lỗi là có hành động “xin xỏ, rút kinh nghiệm” hoặc “khắc phục ngay”…Tuy vậy, khi đoàn thanh kiểm tra rút đi, việc đâu lại hoàn đó; nếu bỏ qua, sẽ có tình trạng “nhờn” pháp luật. Xử phạt nghiêm, hậu kiểm chặt sẽ hạn chế tái phạm.
Trong quá trình thanh kiểm tra, các lỗi vi phạm chủ yếu như: vệ sinh môi trường, vi phạm các điều kiện về dụng cụ, vật liệu bao gói, điều kiện bảo quản thực phẩm; sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng…
Cần tạo sự chuyển biến về ý thức
Năm 2016, Chi cục Vệ sinh ATTP đã tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất 208 cơ sở, trong đó có: 118 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 45 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và 45 bếp ăn tập thể. Kết quả cho thấy, tỷ lệ vi phạm nhiều nhất là không thực hiện việc lưu mẫu (24,6%) và trang phục bảo hộ không đầy đủ (22,59%). Khi đề cập về lỗi không lưu mẫu, một chủ nhà hàng tại đường Phai vệ (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) nói: “Em vẫn nhắc, song hôm nay các cháu nó quên”. Khi được tuyên truyền, giải thích, chủ nhà hàng mới hiểu đó là quy định của pháp luật.
Cũng như vậy, quy định về trang phục của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không được tuân thủ một cách chặt chẽ. Hỏi một nhân viên sản xuất bánh trung thu tại đường Bắc Sơn (phường Hoàng Văn Thụ), chúng tôi được một câu trả lời: “Mặc vào cảm thấy nó vướng víu…”. Đúng là câu nói vừa thiếu ý thức, vừa thiếu tính…chuyên nghiệp. Trao cân thịt trâu cho khách, bà bán thịt ở chợ Đông Kinh tiện tay xoa vào tạp đề đang đeo để nhận tiền. Nhìn chiếc tạp dề cáu bẩn nhăn nhúm, tôi hỏi vui: “Mỗi ngày bà lau bao nhiêu lần vào cái tạp dề này?”. Bà bán hàng cười vô tư: “Tiện tay thôi chú à…”
Phân tích những động tác rất mất vệ sinh của những trường hợp nêu trên, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng: Dù người mới vào nghề, hay những người đã có thâm niên lâu năm, thì cũng cần hình thành một ý thức về nghề. Trang phục bảo hộ lao động là một phần ý thức nghề. Một nhà hàng lớn, hay một quán ăn nhỏ; từ những siêu thị thực phẩm lớn hay một sạp bán thịt, trang phục không những thể hiện ý thức vệ sinh mà còn là hình ảnh đẹp, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn, nó là quy định “cứng” cho những người làm công việc này. Tuy vậy, khi thanh kiểm tra, lỗi về trang phục bảo hộ lao động thường được xem là lỗi nhỏ, phần lớn chỉ là nhắc nhở hoặc cảnh cáo.
Năm 2016 đã kết thúc, toàn tỉnh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm có đông người mắc. Đó là kết quả của tuyên truyền rộng hơn, sâu hơn và kiểm tra xử phạt “mạnh tay” hơn. Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội xuân đang cận kề, thời gian cao điểm trong sử dụng thực phẩm của người dân đang đến nhanh. Cùng với tăng cường kiểm tra để loại trừ các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu…ra khỏi thị trường Lạng Sơn, các đoàn, đội thanh kiểm tra cần quan tâm nhắc nhở và xử phạt những lỗi được coi là “nhỏ”, để những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hình thành ý thức “tự thân” trong loại nghề nghiệp kinh doanh có điều kiện này.
MINH HỒNG
Ý kiến ()