Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình
Sáng 15-3, Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Trung ương do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Hà Nam về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoan nghênh tỉnh Hà Nam đã khẩn trương triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử theo đúng tiến độ. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là cuộc bầu cử nhiều cấp tiến hành cùng một lần nên địa phương cần chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất, con người, địa điểm để tránh sự nhầm lẫn trong khâu bỏ phiếu; phải đề phòng và có phương án đối phó nếu có thiên tai xảy ra trong ngày bầu cử. Đồng chí chỉ đạo tỉnh Hà Nam cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, tập huấn, tuyên truyền về bầu cử, trong đó chú trọng việc tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể để tổ chức thành công cuộc bầu cử này.Đồng...
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoan nghênh tỉnh Hà Nam đã khẩn trương triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử theo đúng tiến độ. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là cuộc bầu cử nhiều cấp tiến hành cùng một lần nên địa phương cần chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất, con người, địa điểm để tránh sự nhầm lẫn trong khâu bỏ phiếu; phải đề phòng và có phương án đối phó nếu có thiên tai xảy ra trong ngày bầu cử. Đồng chí chỉ đạo tỉnh Hà Nam cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, tập huấn, tuyên truyền về bầu cử, trong đó chú trọng việc tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể để tổ chức thành công cuộc bầu cử này.
Đồng chí Trần Xuân Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ngày 10-2-2011, UBND tỉnh Hà Nam đã thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh gồm 25 thành viên, Ủy ban bầu cử tỉnh đã họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Tiểu ban tuyên truyền bầu cử đã phối hợp các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân các văn bản, chủ trương về bầu cử. Tỉnh cũng tăng cường công tác an ninh, chủ động nắm chắc tình hình từ cơ sở, chú trọng những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, làm tốt công tác phòng ngừa, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau ngày bầu cử…
Theo thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hà Nam được bầu sáu đại biểu Quốc hội, trong đó có hai đại biểu Trung ương giới thiệu về, bốn đại biểu cư trú và làm việc tại tỉnh. Số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 50; trong đó phấn đấu đại biểu nữ là 33%, đại biểu trẻ tuổi là 27,5%, đại biểu người ngoài Đảng là 23,8%. Số đại biểu HĐND cấp huyện được bầu là 212 người; cấp xã là 3.115 người. Tỉnh Hà Nam dự kiến thành lập 791 đơn vị bầu cử, 791 ban bầu cử, toàn tỉnh thành lập 912 khu vực bỏ phiếu và 912 tổ bầu cử. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành thành lập ban bầu cử và tổ bầu cử.
Sáng 15-3, Đoàn giám sát công tác bầu cử do đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Đoàn công tác đã nghe đồng chí Đinh Duy Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban bầu cử (UBBC) tỉnh báo cáo việc triển khai công tác bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 ở Hòa Bình. Các cấp ủy, chính quyền và hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của cấp mình và đội ngũ cán bộ xóm, bản, tổ dân phố. Ủy ban bầu cử tỉnh đã có văn bản về hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu QH khóa XIII tại tỉnh gồm bốn đồng chí. Ủy ban MTTQ tỉnh đã thông báo phân bổ về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa 15, nhiệm kỳ 2011-2016 gồm 60 đại biểu được bầu và 120 người ứng cử, phân bổ về 14 đơn vị bầu cử. Tổng số đại biểu HĐND cấp huyện, thành phố có 382 đại biểu, chia thành 101 đơn vị bầu cử. Đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn có 5.257 đại biểu, chia thành 1.496 đơn vị bầu cử và 1.732 tổ bầu cử; chưa có phát sinh, vướng mắc nào ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Quynh lưu ý, bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là bước quan trọng trong việc thực hiện công tác cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Theo đó, trên cơ sở những kết quả đã đạt được cùng các quy định của luật pháp và hướng dẫn của cấp trên, tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục triển khai tốt các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử. Chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bầu cử. Làm tốt công tác tuyên truyền để phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Nếu có trường hợp tự ứng cử phải tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HĐND. Tập trung giải quyết những khó khăn, bức xúc trên địa bàn, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bảo đảm tiến độ và đúng luật định.
Sáng 15-3, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên hướng dẫn công tác tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Dự hội nghị có lãnh đạo Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại Đà Nẵng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đoàn thể; lãnh đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện và Trưởng, Phó Ban Tuyên giáo các quận, huyện, xã, phường.
Hội nghị đã quán triệt hướng dẫn của Ban Chấp hành T.Ư, Thủ tướng Chính phủ về lãnh đạo, tổ chức công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và hướng dẫn của Thành ủy về công tác tuyên truyền bầu cử Quốc hội và tuyên truyền thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đà Nẵng là một trong mười tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Vì vậy, tại cuộc bầu cử lần này, thành phố Đà Nẵng chỉ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu cử đại biểu HĐND thành phố và Hội đồng Nhân dân các xã thuộc huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 2011 – 2016. Thành phố triển khai kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm cuộc bầu cử tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Về công tác thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố chỉ đạo thông qua công tác tuyên truyền để xây dựng ý thức tiết kiệm sâu rộng trong mọi cấp, mọi ngành và nhân dân. Tuyên truyền thực hiện bảy nhóm giải pháp chủ yếu của Chính phủ, nhất là các giải pháp về tỷ giá, kinh doanh vàng, điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, điện, xăng, dầu…). Thường xuyên nắm chắc đời sống các gia đình chính sách, các hộ nghèo, để đề xuất hỗ trợ kịp thời khi nhân dân gặp khó khăn.
Chiều 15-3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã họp mở rộng, lấy ý kiến cử tri nơi công tác người ứng cử đại biểu QH khóa XIII. Sau khi nghe giới thiệu các tiêu chuẩn đại biểu QH và căn cứ phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu QH của Ủy ban Thường vụ QH, Hội nghị đã tiến hành biểu quyết với đa số tán thành, giới thiệu một người trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ứng cử đại biểu QH khóa XIII.
Theo Nhandan
Ý kiến ()