Kiểm toán Nhà nước: Trốn thuế, gian lận thuế ngày càng phức tạp
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn: Những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, quy mô lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Tình trạng vi phạm pháp luật thuế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế. Trong khi ấy, công tác thanh, kiểm tra thuế theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước là vẫn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đã nêu lên vấn đề trên tại hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” ngày 9/5, tại Hà Nội.
Tiêu chí rủi ro chưa hiệu quả?
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước , thời gian qua, ngành thuế đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính từ khâu đăng ký thuế đến kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế.
Tuy vậy, lãnh đạo ngành kiểm toán cũng thẳng thắn, số tiền thuế thất thu còn lớn mà nguyên nhân chủ yếu là từ tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. “Những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi,” ông nói.
Đánh giá riêng về công tác thanh tra kiểm tra thuế trong báo cáo gửi tới hội thảo, ông Doãn Anh Thơ, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực IV nêu lên, hầu hết các cục thuế và chi cục thuế được kiểm toán đã sử dụng ứng dụng hỗ trợ thanh tra, kiểm tra để kết xuất kết quả phân tích rủi ro, làm cơ sở để lập kế hoạch kiểm tra.
Tuy nhiên, theo đánh giá, các hồ sơ được kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế có kết quả tăng thu, ấn định thuế thấp, hầu hết không thay đổi so với kết quả kê khai. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chiếm tỷ lệ rất thấp trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Ví dụ, năm 2017, ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh thanh tra, kiểm tra 21.433 doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 8,1% tổng doanh nghiệp đang hoạt động. Số truy thu giảm khấu trừ, phạt là 4.713 tỷ đồng, bình quân 220 triệu đồng/doanh nghiệp. Đáng chú ý, nhiều trường hợp thanh tra kiểm tra không có số liệu điều chỉnh.
Đại diện ngành kiểm toán cho biết, qua kiểm toán hồ sơ đã kiểm tra thuế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp tăng thu.
Cụ thể, đối chiếu thuế 144 doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế, số tăng thu, giảm khấu trừ qua kiểm toán là 607 tỷ đồng, tức là bình quân 4,25 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn số cơ quan thuế truy thu 1.927%
Từ đó, điều được ông chỉ ra là hệ thống bộ tiêu chí rủi ro chưa thực sự hiệu quả. Một trong các vấn đề là hệ thống dữ liệu không xác định được ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp dẫn đến việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề gặp nhiều khó khăn.
Bổ sung thêm, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, hàng năm, sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra theo danh mục được lựa chọn từ phần mềm, cần tổng kết đánh giá xem lựa chọn đó có đúng đắn hay không.
“Chẳng hạn như, nếu phần mềm gợi ý kiểm tra doanh nghiệp nào đó do cảnh báo có khả năng gian lận cao nhưng trên thực tế kiểm tra thì lại thấy không có gian lận hoặc gian lận ít thì phải kiểm tra xem tại sao lại như vậy, đây là lỗi của nguồn thông tin về cơ sở kinh doanh không chính xác hay do lỗi nào khác,” ông nói.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, cơ quan thuế cũng cần lựa chọn ngẫu nhiên một số doanh nghiệp mà phần mềm quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thông báo rằng khả năng gian lận thấp để thực hiện kiểm tra để làm cơ sở đối chứng và hoàn thiện phần mềm.
Ưu đãi thuế dàn trải, tác dụng được bao nhiêu
Đề cập tới nội dung khác, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II chỉ ra, có tình trạng cho phép ưu đãi thuế không đúng quy định. Đơn cử như việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định hay miễn thuế khi hết thời hạn ưu đãi, không đúng đối tượng được ưu đãi theo giấy chứng nhận đầu tư…
Ngoài ra, vị này cũng nêu lên loạt vấn đề hiện tại như: xác định thu nhập chịu thuế không thuộc nội dung được giảm, hạch toán một số khoản chi phí không đúng quy định… Điều này dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm không đúng quy định.
Bàn về ưu đãi thuế, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII thì tổng kết, hàng năm tổng số tiền mà ngân sách Nhà nước đã ưu đãi cho các doanh nghiệp tương đương khoảng 5,5- 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi về thuế chiếm tỷ trọng trên 80%.
Tuy nhiên, theo ông, chính sách ưu đãi thuế suất của Việt Nam có phạm vi ưu đãi khá rộng và dàn trải.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước dẫn Luật Đầu tư năm 2014 cho thấy, chính sách ưu đãi thuế áp dụng đối với 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí,…
Ông thống kê, việc ưu đãi còn được áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thuộc 53/63 tỉnh, thành phố và hơn 300 khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất.
Việc ưu đãi quá rộng theo ông đã làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư. Chưa kể, chính chính sách ưu đãi thuế đã góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Sau đó, doanh nghiệp áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức ưu đãi thuế thấp.
Từ đó, ông tổng kết, chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế suất thực tế phát huy tác dụng không lớn, mà ngược lại đang làm giảm thu ngân sách.
Với giải pháp, ông nhắc tới khuyến cáo của OECD là cần giảm bớt việc áp dụng các hình thức ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn để chuyển sang áp dụng hình thức ưu đãi thuế khác, hiệu quả hơn. Ví dụ được nêu lên như có cơ chế giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp hay giảm trừ thu nhập chịu thuế khi nhà đầu tư dùng lợi nhuận kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu phát triển, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn…/.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()