Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 23 nghìn tỷ đồng
Nhiều tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; một số TCT đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ... Đây là một trong những nội dung kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đưa ra tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2014 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2013 diễn ra ngày 10-7 tại Hà Nội.
Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã cùng chủ trì cuộc họp báo. Năm 2014, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại 190 đầu mối và kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua kết quả kiểm toán năm 2014, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.103 tỷ đồng (tăng thu hơn 4.669 tỷ đồng; giảm chi hơn 7.460 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm hơn 3.142 tỷ đồng; nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 7.799 tỷ đồng; xử lý khác 31,8 tỷ đồng).
Theo Báo cáo của KTNN, năm 2014, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2013 của 249 doanh nghiệp thuộc 38 TĐ, TCT. KTNN đã điều chỉnh tăng: tổng tài sản, nguồn vốn 4.437 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 3.574 tỷ đồng; tổng chi phí 2.563 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế 975 tỷ đồng; số còn phải nộp NSNN 3.550 tỷ đồng. Bên cạnh một số TCT đầu tư tài chính có hiệu quả, còn nhiều TCT đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, có doanh nghiệp có vốn góp của các TCT kinh doanh thua lỗ, mất vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể. Một số TCT có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, KTNN cho rằng, do vốn chủ sở hữu thấp cho nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, nhiều đơn vị phản ánh không đúng doanh thu, chi phí.
Về kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2013, KTNN đánh giá, việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, lợi nhuận còn phải nộp NSNN… vẫn diễn ra tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN tại các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa khắc phục được nhiều. Qua kiểm toán, KTNN xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm hơn 3.284 tỷ đồng, trong đó các TĐ, TCT hơn 1.619 tỷ đồng; các địa phương hơn 1.505 tỷ đồng và các bộ, cơ quan trung ương 158,9 tỷ đồng…
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng khẳng định: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN là kiểm toán việc sử dụng tài sản, ngân sách có nguồn gốc NSNN, tài sản công, và không có vùng cấm trong hoạt động kiểm toán. Toàn bộ quá trình, kết quả công bố, KTNN đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, trong đó những sai phạm lớn được phát hiện và xử lý sẽ được công bố công khai.
Về các sai phạm kéo dài nhiều năm mà không có biện pháp cưỡng chế, lãnh đạo KTNN cho rằng, với những kiến nghị sau kiểm toán, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rà soát lại cơ chế, sửa đổi đồng bộ, tránh những lỗ hổng trong chính sách, và chính việc chưa có cơ chế cưỡng chế đủ mạnh cũng là một trong những đề xuất, kiến nghị của KTNN. Kết luận kiểm toán có nhiều vai trò, trong đó có vai trò là cơ sở để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ, bịt kín các lỗ hổng trong chính sách…
Liên quan kế hoạch kiểm toán sắp tới, KTNN cũng cho biết, hiện nay KTNN đã bắt đầu tổ chức xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2016. Một trong những tiêu chí để lựa chọn các đầu mối, đơn vị cũng như chủ đề cho kế hoạch kiểm toán năm sau là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, thí dụ như có thể là cách tính giá điện, xăng dầu… Kế hoạch kiểm toán năm 2016 sẽ được công bố vào ngày 31-12-2015.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()