Kiểm toán Nhà nước công bố nhiều vấn đề 'nóng'
Nhiều kẽ hở trong quản lý dự án BOT, một số khoản đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước chưa hiệu quả... là một số vấn đề đáng chú ý trong báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2015 mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố.
Báo cáo cho hay kết thúc kiểm toán 27 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị giảm tổng cộng tới 100 năm thu phí.
Cụ thể, sau khi rà soát các chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát thực tế, phù hợp với quy định, Kiểm toán Nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu nhà đầu tư đưa ra.
Sau nhiều cuộc kiểm toán về các dự án BOT, phía Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc quản lý lĩnh vực này còn rất lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, cách xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính chưa đảm bảo tính đúng đắn.
Theo Kiểm toán Nhà nước, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều đơn vị chỉ dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát trong 2 – 3 ngày để quy ra lưu lượng phương tiện cả năm (365 ngày) hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện đã cũ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BOT đều áp dụng hình thức “chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu”. Việc xác định tổng mức vốn đầu tư của dự án còn sai sót, xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng (GTGT) được nhà nước hoàn lại. Tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết. Do phải đi vay nguồn vốn rất lớn, dẫn đến đội chi phí đầu tư lên cao, từ đó dẫn đến thời gian thu phí kéo dài.
Trước tình trạng trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn đến vấn đề nguồn vốn của nhà đầu tư. Cần bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành giao thông vận tải (GTVT) và các quy định đánh giá lựa chọn nhà đầu tư BOT giao thông, đồng thời nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp cũng như chế tài xử lý trong quá trình triển khai dự án.
Cần quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng.Cần có cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án BOT giao thông.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết có không ít các khoản đầu tư tài chính của một số doanh nghiệp Nhà nước đạt hiệu quả thấp.
Ví dụ, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đầu tư vào 3 công ty liên kết gần 123 tỷ đồng với tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 1,34%. Ngoài ra, PTI cũng đầu tư dài hạn khác vào 7 doanh nghiệp hơn 57 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 chỉ là 0,48%.
Các khoản đầu tư của SCIC vào Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty CP Nhiệt điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cũng không hiệu quả.
Trong lĩnh vực thuế, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 2.050 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nộp tăng thêm 882 tỷ đồng.
Vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành thừa xe ô tô những vẫn mua mới; chưa rà soát sắp xếp xe dôi dư. Việc thanh lý xe ôtô công chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý theo quy định (chưa đủ thời gian đã thanh lý).
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()