Ngày 22-3, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã trình bày trước Quốc hội báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhiệm kỳ 2011 – 2015.
Báo cáo của KTNN cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2011-2015 là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại Điều 118; thông qua Luật KTNN năm 2015 với nhiều nội dung mới tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN. Hiện nay, KTNN đang tập trung triển khai Luật KTNN năm 2015 với khoảng 30 văn bản dự kiến ban hành trong giai đoạn 2015-2017. Bên cạnh đó, KTNN cũng đã tích cực tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động kiểm toán đã từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp và có nhiều tiến bộ, ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao.
Cụ thể như, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán đã có nhiều tiến bộ, đồng bộ, tập trung thống nhất trong toàn ngành từ việc xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn đến xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm; quy mô kiểm toán ngân sách các bộ, ngành và địa phương được mở rộng phù hợp với năng lực của KTNN, đáp ứng ngày càng tốt hơn về chất lượng kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và Chiến lược phát triển KTNN. Kế hoạch kiểm toán hằng năm khi ban hành đều đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách tài chính – tiền tệ liên quan đến niên độ được kiểm toán và những vấn đề đang được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội, cử tri quan tâm; tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện nội dung, mục tiêu, phạm vi kiểm toán, như: Chuyên đề quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Dự án Nhà Quốc hội, Dự án Trung tâm Hội nghị quốc gia…; chủ động phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để hạn chế tối đa sự trùng giẫm. Từ năm 2015 đến nay, KTNN đã tập trung kiểm toán quyết toán ngân sách của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (TƯ) nhằm phục vụ tốt hơn việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Vạn nêu rõ, chất lượng kiểm toán từng bước được nâng cao, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, minh bạch quản lý tài chính, tài sản công.
Trong nhiệm kỳ, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng; giúp các đơn vị được kiểm toán từng bước khắc phục việc lập, giao dự toán ngân sách hằng năm chưa sát thực tế, bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản công thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản. Việc phát hiện xử lý tài chính và kiến nghị sửa đổi các cơ chế chính sách thông qua hoạt động KTNN đã góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.
Đồng thời, KTNN đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và Đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát; chủ động chuyển chín hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.
Để góp phần nâng cao hiệu lực kiểm toán, việc công khai kết quả kiểm toán hằng năm đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm toán được gửi đến đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan như Ban Nội chính TƯ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính…; Báo cáo kiểm toán năm, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN được gửi đến từng Đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, đối với những kết quả kiểm toán quan trọng, KTNN đều thông báo trực tiếp bằng văn bản đến người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; thời gian phát hành các báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ngày càng được đẩy nhanh nhằm kịp thời phục vụ việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Do đó, kết quả kiểm toán được công khai ngày càng tạo sự tin tưởng của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đối với hoạt động KTNN.
Về kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp kết quả từ năm 2011 đến năm 2014 cho thấy: các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện xử lý tài chính 51.625 tỷ đồng, bằng 65% kiến nghị hợp lý; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 146 văn bản và nhiều văn bản khác đang được các đơn vị tổ chức thực hiện.
Đánh giá chung từ cơ quan KTNN cho thấy, nhiệm kỳ 2011-2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả và thành tựu KTNN đã đạt được là toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo
Trong đó, quy mô kiểm toán tăng một cách hợp lý, bình quân hằng năm thực hiện khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%; chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ thông qua việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương đổi mới; qua đó đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá về kết quả công tác của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và cho rằng, KTNN có đóng góp tích cực vào hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cử cán bộ tham gia đầy đủ khi có yêu cầu, cung cấp thông tin kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBTCNS cũng nêu cụ thể một số nội dung tồn tại, hạn chế trong công tác của KTNN.
Trong đó, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm đã có nhiều tiến bộ song việc đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán chuyển biến chưa mạnh; một số trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán chưa phù hợp với thực tế; việc khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khác chưa được triệt để.
Quy mô kiểm toán hằng năm đã tăng lên, nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hằng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách TƯ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ như Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã đề ra. Kiểm toán hoạt động đã được tăng cường nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
Chất lượng Báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN hằng năm chưa cao. Một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của KTNN không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán.
UBTCNS đề nghị KTNN cần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Tiến hành kiểm toán thường niên các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách TƯ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Tăng quy mô kiểm toán về tổng thể và các đầu mối để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách.
KTNN cũng cần củng cố hệ thống tổ chức bộ máy; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán; tăng cường kiểm toán, kiểm soát nội bộ, công khai, minh bạch các thông tin kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
Chú trọng phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và HĐND các cấp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm chế độ, chính sách, kỷ luật tài chính đặc biệt là trách nhiệm cá nhân.
Ý kiến ()