Kiểm toán nâng tầm phối hợp 5 địa phương phía Bắc
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa chủ trì Hội nghị Sơ kết Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và TP. Hải Phòng.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phối hợp giữa KTNN với các địa phương, đồng thời đề xuất các phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa các bên trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh, thành phố hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố còn một số hạn chế nhất định cần trao đổi để hoàn thiện. Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác được trình bày tại Hội nghị cho biết, sau khi ký kết, KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trên cơ sở tuân theo pháp luật và quy định của các bên tham gia.
Công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm mục tiêu đề ra với những nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thể hiện trên các mặt: xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương, giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và của Kiểm toán viên nhà nước…
Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn giúp các địa phương hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và đại diện các địa phương đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, những kết quả nổi bật mà KTNN đạt được trong suốt những năm qua luôn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội… và sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của HĐND, UBND các địa phương, trong đó có 5 tỉnh, thành phố mà KTNN tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp công tác lần này.
Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, KTNN và các địa phương cần nhìn lại quá trình triển khai Quy chế đã ký trong những năm qua, đồng thời đưa ra phương hướng hợp tác tốt hơn trong thời gian tới. Vì vậy, nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể đối với KTNN khu vực VI và 5 tỉnh, thành phố để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương, nhất là trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương.
Trong đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương cùng phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán. Địa phương cần chủ động đề xuất nội dung kiểm toán gắn với đặc thù của địa phương, thông qua đó giúp tinh gọn đầu mối kiểm toán mà vẫn đem lại hiệu quả.
Phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai kiểm toán, đặc biệt là trong quá trình trao đổi cung cấp thông tin cho đoàn kiểm toán, kiểm toán viên.
Phối hợp thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. KTNN cũng sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn đối với các địa phương, đơn vị trong thực hiện vấn đề này cho thuận lợi.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chú trọng phối hợp trong việc tạo điều kiện cho KTNN khu vực VI tham gia vào công tác xây dựng, lập dự toán, quyết toán ngân sách để phục vụ cho công tác kiểm toán được tiếp cận thông tin từ sớm; giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán, giúp giữ vững đạo đức công vụ, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp xử lý tin tố giác tham nhũng, tiêu cực; đào tạo kiến thức về tài chính, ngân sách cho cán bộ dân cử….
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhận định: Thời gian qua, các địa phương phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, KTNN đã đồng hành cùng các địa phương, trên quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho địa phương phục hồi sau đại dịch thông qua việc cắt giảm đầu mối, thời gian và quy mô cuộc kiểm toán. Đặc biệt, nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng như hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán, kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng 67 đoàn kiểm toán) so với năm 2022. Năm 2024, KTNN tiếp tục hành động theo phương châm “gọn nhưng chất lượng”, gắn với việc lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, kế hoạch kiểm toán đã được ban hành với 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tập trung kiểm toán chuyên đề…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã có những ý kiến phát biểu đóng góp thêm về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa các bên trong thời gian qua cũng như định hướng công tác phối hợp trong thời gian tới. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: “Trên cơ sở Quy chế phối hợp, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện rất nghiêm túc. Ngoài khối lượng công việc được xác định hằng năm trong kế hoạch kiểm toán của KTNN, chúng tôi đã đề xuất KTNN khu vực VI, KTNN chuyên ngành giúp Quảng Ninh kiểm toán rất nhiều chuyên đề. Trong đó, chuyên đề trọng điểm đầu tiên là kiểm toán về tài nguyên khoáng sản. Đây là một trong những nguồn tài sản công mà nếu không được kiểm toán, kiểm soát tốt thì rất khó đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và tránh những rủi ro. Thứ hai là kiểm toán các công trình giao thông trọng điểm. Thứ ba là lĩnh vực bảo vệ môi trường gắn với di sản kỳ quan Vịnh Hạ Long. Vì vậy, số cuộc kiểm toán được KTNN thực hiện trên địa bàn rất lớn”.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế đã ký kết cho phù hợp với quy định và tình hình mới.
Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và TP. Hải Phòng gồm 3 Chương, 10 Điều, quy định sự phối hợp công tác giữa KTNN với các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và trong tổ chức các hoạt động giám sát, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước.
Nhân Hội nghị này, KTNN cũng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KTNN” cho các đồng chí là lãnh đạo tỉnh, thành phố và lãnh đạo sở, ban ngành đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/kiem-toan-nang-tam-phoi-hop-5-dia-phuong-phia-bac-102240224154454812.htm
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()