Kiểm soát tốt cung cầu hàng hóa, giảm dần lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp. Ảnh: TRẦN HẢI Trong hai ngày 5 và 6-3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Chủ tịch nước tham dự phiên họp.Về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2011, là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ nhiều năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 380,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng1,37% so tháng trước, tăng 2,38% so tháng 12-2011, tăng 16,44% so cùng kỳ năm 2011. Tổng phương tiện thanh toán (M2) ước giảm 0,11% so tháng 12-2011. Lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm nhẹ, cụ thể: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5-16%/năm; sản xuất, kinh doanh khác phổ biến mức 16,2-20%; phi sản xuất ở mức 22-25%. Lãi suất cho vay...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp. Ảnh: TRẦN HẢI |
Về tình hình kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2011, là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ nhiều năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 380,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng1,37% so tháng trước, tăng 2,38% so tháng 12-2011, tăng 16,44% so cùng kỳ năm 2011. Tổng phương tiện thanh toán (M2) ước giảm 0,11% so tháng 12-2011. Lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm nhẹ, cụ thể: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5-16%/năm; sản xuất, kinh doanh khác phổ biến mức 16,2-20%; phi sản xuất ở mức 22-25%. Lãi suất cho vay USD phổ biến mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 8,2 tỷ USD, hai tháng qua đạt gần 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước khoảng 9 tỷ USD, hai tháng qua ước khoảng 15,9 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nhập siêu hai tháng qua ước bằng 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-2: tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 86,8 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán năm; vốn đầu tư phát triển từ NSNN ước đạt hơn 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% dự toán năm. Hai tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 1 tỷ USD, bằng 91% so cùng kỳ năm 2011. Vốn ODA giải ngân ước đạt khoảng 118 triệu USD, bằng 94,4% so cùng kỳ năm trước.
Cũng tại hội nghị, Chính phủ đã nghe và thảo luận: Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020…
Phát biểu ý kiến kết luận phần kinh tế – xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Trong tháng 2 và hai tháng qua, tình hình kinh tế – xã hội chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ và quyết liệt đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua nổi lên còn nhiều khó khăn, thách thức, cho nên chúng ta không thể chủ quan, thỏa mãn. Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết liệt phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, hạn chế yếu kém để bám sát mục tiêu, giải pháp đã đề ra để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2012.
Thủ tướng lưu ý, kinh tế thế giới đang còn diễn biến phức tạp, nhiều dự báo, cho thấy khả năng tăng trưởng thấp hơn năm 2011. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, diễn biến kinh tế thế giới trong nước và thế giới để kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, càng trong khó khăn, chúng ta phải tranh thủ phát huy mọi lợi thế, đó là chính trị xã hội ổn định, từ đó có điều kiện thu hút vốn đầu tư, du lịch; lợi thế về nông nghiệp, thủy sản… Thủ tướng khẳng định thời gian tới vẫn tiếp tục kiên trì ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Kiểm soát tốt về cung cầu hàng hóa, góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là kiểm soát chặt giá ga và thuốc chữa bệnh. Đề xuất các giải pháp và lộ trình thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vừa bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước. Yêu cầu các bộ Tài chính và Công thương thực hiện điều hành giá xăng, dầu theo đúng Nghị định 84/2009/NĐ-CP.
Thủ tướng đánh giá việc điều hành tỷ giá ngoại tệ từ đầu năm 2011 đến nay là tốt, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát. Hiện lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, ngay sau phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất tín dụng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, giải quyết hài hòa các mục tiêu kiềm chế lạm phát, giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá ngoại tệ; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, DN nhỏ và vừa, chương trình nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao các bộ, ngành báo cáo cụ thể tình hình và đề xuất các biện pháp, nhất là biện pháp thuế để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng tồn kho; quan tâm thị trường trong nước, tăng cường đưa hàng về nông thôn; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, góp phần hạn chế nhập siêu. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển du lịch. Đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm như điện, đạm; bảo đảm tiến độ gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân, phát triển chăn nuôi đi đôi tăng cường các biện pháp quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm; Hiệp hội lương thực và các DN đẩy mạnh việc thu mua lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long và tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng nêu rõ, cần có các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để DN trong nước phát triển và hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước với nhiều hình thức đầu tư, thu hút vốn FDI, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký mới và tăng thêm vốn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI, ODA để tranh thủ nguồn lực. Các bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải cần tăng cường quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Quan tâm đời sống nhân dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, đồng bào nghèo, nhất là vào thời kỳ giáp hạt để có biện pháp cứu trợ kịp thời. Bộ Y tế phải kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn, khống chế nguy cơ lây lan các dịch bệnh như cúm A (H5N1), bệnh viêm não mô cầu, tay, chân, miệng, đồng thời sớm trình đề án khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, tập trung điều tra các vụ trọng án, giải quyết các tệ nạn xã hội; bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; rà soát, chỉ đạo công tác phòng chống cháy nổ, nhất là ở các thành phố lớn, khu đông dân cư; duy trì tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông; chú ý ứng phó thiên tai ngay từ bây giờ; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, thủ trưởng các cơ quan, lãnh đạo các địa phương chủ động cung cấp thông tin về tình hình, chủ trương, chính sách, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội.
* Chiều 6-3, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan lĩnh vực: lãi suất ngân hàng, tồn kho của các DN, điều hành giá xăng, dầu và ga, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại…
Tại cuộc họp báo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam hiện nay có chín TCTD đang ở trong tình trạng tài chính yếu kém. Tuy nhiên, những tổ chức này (chiếm chưa đến 10% hoạt động của hệ thống ngân hàng) đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Đồng thời, NHNN và các TCTD này đang xây dựng kế hoạch tái cấu trúc chín đơn vị này. Đối với lộ trình giảm lãi suất, NHNN cho rằng, đã đến lúc hạ mặt bằng lãi suất 1%. Tất cả các lãi suất sẽ đồng loạt giảm 1%. Trong vài ngày tới, NHNN sẽ chính thức công bố việc hạ lãi suất này. NHNN cũng cho rằng, tỷ giá ngoại tệ hiện nay hết sức ổn định. NHNN đang mua vào lượng ngoại tệ lớn để cân đối thị trường, nâng cao dự trữ ngoại hối. So thời điểm kết thúc năm 2010, kết thúc năm 2011, dự trữ ngoại hối tăng gần 50%. Hai tháng qua, dự trữ ngoại hối tăng thêm gần 20% so đầu năm. Điều này khẳng định tình hình thanh khoản tiếp tục cải thiện trong thời gian tới. NHNN sẽ phát hành tín phiếu NHNN kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng, thậm chí là dưới một năm với mức lãi suất hợp lý để duy trì mức độ ổn định trên thị trường, hút lượng vốn dư thừa. Từ đó, vốn của các TCTD tăng lên và giảm mặt bằng lãi suất là hiện thực. Kiểm soát được dòng tiền dư thừa trong nền kinh tế.
Về mặt hàng ga, đại diện Bộ Công thương cho biết, do Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn ga, trong khi đó, nhu cầu ga, khí đốt hóa lỏng của thế giới tăng mạnh thời gian qua, khiến giá ga tăng từ 880 USD lên 1.025 USD/tấn, gây áp lực phải điều chỉnh giá ga trong nước. Bộ Công thương đã phối hợp Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu ga xuống còn 0%. Bộ Công thương đã làm việc Hiệp hội ga bàn biện pháp tăng cường quản lý thị trường, minh bạch giá nhập khẩu ga. Cố gắng bảo đảm kinh doanh ga không tăng bất hợp lý. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, giá ga thế giới thời gian qua tăng mạnh, nên các DN tăng giá ga bán trong nước, Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm thuế nhập khẩu, văn bản chỉ đạo các sở Tài chính đề nghị các DN ga, Hiệp hội ga giảm giá bán theo số thuế được giảm. Ngày 3-3, các DN đã giảm giá 17-18 nghìn đồng/bình 12 kg. Các chính sách thuế đã góp phần can thiệp thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra các đại lý kinh doanh ga. Hiện 40 tỉnh thành đã có báo cáo về tình hình kinh doanh ga trên địa bàn. Cơ quan chức năng đã kiểm tra 564 đơn vị, trong đó, phát hiện và xử phạt một số đơn vị vi phạm đăng ký giá, niêm yết giá, bán không đúng giá quy định. Bộ Tài chính khẳng định, ga là mặt hàng phải đăng ký giá, bảo đảm kinh doanh theo cơ chế thị trường. Nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tăng giá ga bất hợp lý.
Đối với giá xăng dầu, trong tháng 2, giá xăng dầu thế giới tăng mức cao nhất trong vòng chín tháng qua. Tùy từng mặt hàng thành phẩm, mức tăng khoảng 2-7%, trong đó tăng mạnh nhất là xăng (tăng khoảng 7%). Hiện nay, giá xăng dầu bán trong nước so các nước trong khu vực, chung đường biên giới, đang thấp hơn từ 4 đến 8 nghìn đồng/lít. Chúng ta vẫn điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Sau khi sử dụng hết các công cụ, nếu giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành thì sẽ điều chỉnh giá xăng dầu ở mức hợp lý.
Theo Nhandan
Ý kiến ()