Kiểm soát tình hình tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT
Đến thời điểm này, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đã có gần 40 địa phương đang trong tình trạng bội chi quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều tỉnh trước đây chưa từng bị bội chi nay cũng xuất hiện trong "danh sách" này...
“Bội chi” gia tăng…
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam , trong sáu tháng đầu năm đã có 37 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB BHYT của tỉnh, với tổng số tiền vượt quỹ gần 3.404 tỷ đồng, tăng 22 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015 với số tiền bội chi tăng thêm 2.897 tỷ đồng và tăng thêm 12 tỉnh so với cả năm 2015. Trong đó, 25 tỉnh đã vượt quỹ trong năm 2015 thì tiếp tục vượt quỹ sáu tháng đầu năm. Nhiều tỉnh có số vượt quỹ sáu tháng đầu năm rất lớn (hơn 100 tỷ đồng) như: Thanh Hóa 370 tỷ (vượt 38% so với quỹ), Nghệ An 351 tỷ (vượt 41%), Quảng Nam 238 tỷ (vượt 62%), Cà Mau 221 tỷ, Thái Bình 213 tỷ (vượt 48%), Đà Nẵng 167 tỷ (vượt 42%)…
Phó Trưởng ban Chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết: Tình trạng bội chi quỹ tăng cao một phần là do tác động của điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) theo Thông tư số 37, thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và gia tăng số thẻ BHYT so với năm 2015. Tuy nhiên, một số tỉnh các năm trước đây chưa từng bị bội chi như Bắc Cạn, Lào Cai, Quảng Trị, Tuyên Quang, thì trong sáu tháng đầu năm 2016 đã nằm trong số các đơn vị bị bội chi quỹ. Điều đáng chú ý là ba trong số các địa phương nêu trên thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, nơi mà tiếp cận dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế…
Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra, làm việc của BHXH Việt Nam với BHXH các địa phương cho thấy, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan do thay đổi chính sách dẫn đến gia tăng chi phí KCB cao ở các tỉnh, còn do việc chưa kiểm soát tốt chi phí KCB; tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều cơ sở KCB với các hình thức khác nhau.
Với chính sách thông tuyến, đã xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các bệnh viện. Tăng thu dung người bệnh bằng các hình thức khuyến mại, vận chuyển miễn phí người tham gia BHYT đến bệnh viện/phòng khám để kiểm tra sức khỏe. Như, Phòng khám Trường cao đẳng Y Thanh Hóa có hình thức Giảm giá khám bệnh khi đến khám từ lần thứ 2 trở đi; Bệnh viện Lan Q (Bắc Giang) có chương trình kết hợp với Hội Người cao tuổi ở địa phương để vận động người có thẻ BHYT ở địa phương đến KCB, theo đó, bệnh viện đã chi hỗ trợ 120.000 đồng/người bệnh đến KCB (hỗ trợ cho Hội Người cao tuổi ở huyện 20.000 đồng, Hội Người cao tuổi ở xã 20.000 đồng, Hội Người cao tuổi ở thôn 20.000 đồng, tiền xe ô-tô vận chuyển 60.000 đồng), một số bệnh viện tư nhân ở Nghệ An sang Hà Tĩnh quảng cáo, vận động, hỗ trợ người bệnh đến KCB…
Do quy định của thông tuyến, người bệnh dễ dàng đến các cơ sở KCB không phải nơi đăng ký KCB ban đầu để xin giấy chuyển tuyến lên tuyến trên. Việc chuyển tuyến của các cơ sở KCB dẫn đến tình trạng chuyển tuyến không hợp lý, với nhiều trường hợp mặc dù bệnh chưa vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến huyện, nhưng vẫn chuyển lên tỉnh dẫn đến chi phí đa tuyến đến bệnh viện tỉnh tăng cao hơn so với các năm trước mà chủ yếu là chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến huyện không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu, do cơ sở KCB đó không bị sức ép về quản lý quỹ KCB BHYT…
Đồng thời, với chính sách tăng giá DVYT theo Thông tư 37, nhiều cơ sở KCB thu hút người bệnh đến cơ sở bằng việc tăng cung cấp thuốc, DVYT để tăng thu, bao gồm tất cả các dịch vụ từ khám bệnh, điều trị nội trú (tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh). Tại nhiều địa phương đã có tình trạng tăng cung cấp các DVYT có mức giá cao nhưng chi phí thấp, như: xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, máu, nội soi tai mũi họng, các dịch vụ phục hồi chức năng, y học cổ truyền, răng hàm mặt. Như: Bệnh viện Răng hàm mặt và phẫu thuật tạo hình Nghệ An tăng gấp 3,2 lần, Bệnh viện Đông y Nghệ An tăng gấp 3,3 lần, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tăng gấp 2 lần, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Nghệ An tăng gấp 2,1 lần, Bệnh viện Đông Y tăng gấp 2,3 lần, Bệnh viện YHCT Nam Định tăng gấp 2,3 lần…
Cần biện pháp mạnh để kiểm soát
Trước thực trạng đáng lo ngại này, cơ quan BHXH Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương có tình hình bội chi quỹ cao để tìm hiểu nguyên nhân và có những giải pháp. Tại hội nghị trực tuyến với 63 cơ quan BHXH tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình gia tăng chi phí KCB BHYT sáu tháng đầu năm và bàn giải pháp kiểm soát chi phí trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo khẳng định, biểu hiện trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT đã rất rõ tại nhiều địa phương, trong đó một phần do việc nhận định tình hình của các địa phương không được sát thực tế; thậm chí có nơi buông lỏng, không có biện pháp quản lý chặt chẽ… Để kiểm soát chi phí KCB BHYT, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp Bộ Y tế tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT (như thực hiện Thông tư 37 và các nội dung khác); chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, thuốc an toàn, hiệu quả và tiết kiệm…
Ngành BHXH nỗ lực hoàn thiện việc kết nối dữ liệu và ứng dụng phần mềm giám định. Việc kết nối cần bảo đảm về số lượng và chất lượng dữ liệu. BHXH tỉnh cập nhật tình hình liên thông dữ liệu hằng ngày, kịp thời yêu cầu các cơ sở KCB thực hiện ngay khi bệnh nhân ra viện và từ chối thanh toán đối với cơ sở KCB không thực hiện việc liên thông dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi chi KCB BHYT phát sinh hằng tuần, hằng tháng trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để điều hành, chỉ đạo công tác giám định BHYT, tổ chức kiểm tra ngay các đơn vị phát sinh chi phí tăng cao bất thường.
Phối hợp Sở Y tế và các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác KCB BHYT tại các cơ sở KCB trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Tập trung kiểm tra chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB có số lượng KCB tăng đột biến; cơ sở KCB có chi phí tăng cao bất thường; cơ sở KCB bội chi quỹ KCB BHYT hơn 30% quỹ. Kiên quyết từ chối thanh toán những chi phí không hợp lý, không đúng quy định…
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong số 37 tỉnh có tốc độ gia tăng mạnh chi phí KCB BHYT có: bốn tỉnh có số chi tại tỉnh tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2015 (là Cà Mau, Tây Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh); hai tỉnh có mức tăng từ 60 đến 70% (Lào Cai, Lạng Sơn); 10 tỉnh tăng từ 50 đến 59%; 17 tỉnh tăng từ 40 đến 49%… |
Theo Nhandan
Ý kiến ()