Kiểm soát tín dụng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản
Theo khảo sát điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện mới đây, trong nửa đầu năm 2022, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục siết chặt dòng vốn vào những lĩnh vực rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản,…
Cụ thể theo khảo sát này, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng sẽ cải thiện hơn trong quý I/2022 và cả năm 2022. Trong đó, các ngân hàng tiếp tục ưu tiên dòng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất, phân phối điện và xây dựng; trong khi dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng. Các ngân hàng cũng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro tăng cao nhất.
Trước đó, tại cuộc họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2021 và định hướng nhiệm vụ năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát thông điệp tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông;…
Đáng chú ý, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhiều lần nhấn mạnh quan điểm tăng cường kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn ưu tiên và tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thật sự, chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Nhưng đối với bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn có hệ số rủi ro cao thì tiếp tục kiểm soát chặt chẽ. Đối với trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thậm chí có thể sẽ tiến hành thanh kiểm tra. Còn với chứng khoán, nguồn vốn phục vụ cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh,
ổn định sẽ được tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển. Nhưng ngược lại, nguồn vốn phục vụ cho mục đích đầu cơ, có dấu hiệu tăng nóng tạo ra sự bất ổn của thị trường thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiểm soát chặt trở lại.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro là cần thiết và kịp thời trong lúc này bởi lẽ, nếu không kiểm soát tốt dòng tiền từ các tổ chức tín dụng vào chứng khoán, bất động sản thì nguy cơ “chao đảo” hệ thống tín dụng và lạm phát phi mã là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong thời gian tới, hiện tượng dòng tiền quay vòng, “chảy” sang chứng khoán, bất động sản rất có thể sẽ lặp lại.
Do đó nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải nhận diện kịp thời và có chính sách giám sát chặt chẽ hơn dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư; tăng cường giám sát hơn nữa để các thị trường phát triển lành mạnh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh.
Ý kiến ()