Kiểm soát thị trường điện máy dịp hè
“Sốc” hàng khuyến mãi
Chỉ cần dạo qua một vài tuyến phố như Nguyễn Trãi – Trần Phú (quận Thanh Xuân), Phùng Hưng (quận Hà Ðông), với chiều dài chưa đầy 3 km dễ dàng nhận thấy hàng chục cửa hàng điện máy của các thương hiệu FPT, Viettel, Pico, Media mart, Thế giới di động, Ðiện máy Xanh, Nguyễn Kim,… được bài trí bắt mắt. Tại hệ thống siêu thị điện máy Media mart (đường Trần Phú, quận Hà Ðông, Hà Nội) hàng loạt băng-rôn chăng dọc ngang với những khẩu hiệu quen thuộc: “Hàng hè giá sốc, cơn lốc quà tặng”; “Hàng lạnh, giá nóng”; “Ngày khủng, giá khủng”, “Ngày vàng thứ tư giảm giá đồng loạt lên đến 50%”,… Khách mua ti-vi Samsung loại Ultra HDR 4K 75MU7000 chỉ phải thanh toán 73,9 triệu đồng so với giá niêm yết 94,9 triệu đồng (giảm 22%), giảm thêm sáu triệu đồng tiền mặt, tặng thêm máy lọc không khí trị giá 2,99 triệu đồng. Ðiều hòa Panasonic inverter, một chiều, 12 nghìn BTU giảm giá 16% còn 12,49 triệu đồng (giá niêm yết 15 triệu đồng), tặng công lắp đặt, gói bảo dưỡng và quạt bàn với tổng giá trị gần một triệu đồng… Tương tự, hệ thống siêu thị Ðiện máy Xanh, Pico, cũng trưng ra hàng nghìn sản phẩm khuyến mãi, giảm giá từ 15 đến 50%.
Ðể kích cầu, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt gần như quanh năm, các DN, nhà sản xuất áp dụng chương trình quảng cáo, khuyến mãi giá sốc. Nguồn hàng dồi dào, mức chiết khấu cao, các đơn vị đều “vẽ” ra lý do để khuyến mãi, nhằm tăng doanh số bán. Anh Nguyễn Tuấn Việt, cán bộ quản lý một siêu thị Ðiện máy Xanh khu vực Hà Nội cho biết, dịp hè năm nay dự kiến sản lượng tiêu thụ sẽ tăng khoảng 10 đến 15% so với năm ngoái cho nên hàng được vận chuyển về siêu thị đều đặn hai lần/tuần. Trong đó, siêu thị có sự điều chỉnh linh hoạt giữa các dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng của từng vùng, miền khác nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, hiện cũng không ít sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được một số đơn vị kinh doanh đưa vào lưu thông, đây đó vẫn còn hiện tượng nhập nhèm trong khuyến mãi, làm méo mó thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. TS Nguyễn Hữu Cung, giảng viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định, trên thị trường đang bày bán nhiều dòng sản phẩm từ cao cấp đến bình dân, hàng mới và cả hàng lỗi mốt. Dựa vào yếu tố tâm lý người tiêu dùng, các DN, nhà sản xuất có sự điều chỉnh về giá và xây dựng các chính sách khuyến mãi, giảm giá để “đẩy” hàng lỗi mốt, đang giảm dần về chất lượng. Chẳng hạn, đối với những sản phẩm đang “hot” trên thị trường, các siêu thị vẫn giữ nguyên giá, thậm chí còn “găm” trong kho nhằm tạo khan hiếm, sốt ảo để tăng giá bán, trục lợi. Còn những sản phẩm sản xuất lâu ngày, lỗi mốt, sức mua giảm được giảm giá kèm theo nhiều kiểu khuyến mãi hấp dẫn. Việc kiểm soát chất lượng những sản phẩm lâu ngày rất khó khăn bởi liên quan nhiều khâu như: vận chuyển, bảo quản, bảo dưỡng,… Thậm chí, không ít trường hợp sản phẩm bị lỗi trong quá trình sử dụng, nhưng đã hết thời gian đổi, trả hàng được các đại lý mua lại, tân trang như mới rồi đem bán, lừa dối khách hàng.
Xây dựng dữ liệu giá gốc
Theo các chuyên gia kinh tế, sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ điện máy đang diễn ra rất khắc nghiệt. Ðiều này đã được chứng minh khi thời gian qua, nhiều cửa hàng điện máy nhỏ lẻ phải đóng cửa, do bị các DN mạnh, chiếm lĩnh ưu thế về thị phần và doanh thu chiếm hết thị phần. Thực chất, thị trường điện máy chỉ còn vài DN có “máu mặt”. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là giữa các DN này lại đang có sự cạnh tranh không lành mạnh. Một số DN duy trì doanh thu, lợi nhuận bằng cách “nhắm mắt” đưa hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc vào bán và khuyến mãi. Chiêu trò bẩn đã gây thiệt hại cho khách hàng và phương hại uy tín của các DN làm ăn chân chính, khiến thị trường bị méo mó.
Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, nói đến thị trường điện máy phải hiểu rõ một số đặc tính của sản phẩm như hàng nhanh lỗi mốt; tỷ lệ hàng giả, hàng nhái nhiều; hạ giá nhanh; nhiều sản phẩm có vòng đời sử dụng lâu, từ năm đến bảy năm. Muốn đẩy mạnh doanh thu, sản lượng, nhiều DN cố tình nhập hàng giả, hàng kém chất lượng đưa vào hệ thống kinh doanh. Thậm chí, hàng sản xuất từ Trung Quốc, nhưng sẵn sàng dán tem, nhãn, quảng cáo của Thái-lan hoặc của các nước châu Âu để lừa gạt người tiêu dùng. Không ít trường hợp đã bị đẩy giá lên 50% rồi giảm đi 25%, vô hình trung người tiêu dùng vẫn chịu thiệt, thậm chí giảm giá lại đắt hơn so với giá thông thường. Vì vậy, muốn kiểm soát được về giá và ổn định thị trường, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường và chính quyền các quận, huyện, xã, phường. Trong đó, phải xây dựng được hệ thống dữ liệu giá gốc nhằm kiểm tra, giám sát và chứng minh được việc giảm giá của DN là chân chính hay không, từ đó có các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Việc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đem lại cơ hội cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều khiến không ít người lo lắng là thị trường chưa có quy hoạch bài bản, điều chỉnh hợp lý giữa các siêu thị, điểm bán hàng khiến việc cạnh tranh diễn ra một cách “vô tội vạ”. Ðồng thời, các DN trong nước dường như mới chỉ chú tâm cạnh tranh lẫn nhau, chưa có chiến lược đầu tư, phát triển hợp lý nhằm gia tăng sức cạnh tranh với các DN nước ngoài. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời, chắc chắn thị trường bán lẻ điện máy sẽ bị các “đại gia” nước ngoài thôn tính trong tương lai không xa.
Ý kiến ()