Kiểm soát săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách.Tuy vậy, việc săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra làm cho quần thể động vật hoang dã đang dần bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn đồng chí ĐỖ QUANG TÙNG, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta hiện nay. Dưới đây là nội dung phỏng vấn.Phóng viên (PV): Trong những ngày vừa qua dư luận rất bức xúc khi thấy những hình ảnh cá thể voọc chà vá chân xám (trên In-tơ-nét) bị giết hại. Đồng chí có thể cho biết, nguyên nhân nào dẫn đến việc động vật hoang dã bị săn bắn, buôn bán ráo riết như hiện nay? Đồng chí Đỗ Quang Tùng (ĐC ĐQT): Với điều kiện về địa...
Tuy vậy, việc săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra làm cho quần thể động vật hoang dã đang dần bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn đồng chí ĐỖ QUANG TÙNG, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta hiện nay. Dưới đây là nội dung phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Trong những ngày vừa qua dư luận rất bức xúc khi thấy những hình ảnh cá thể voọc chà vá chân xám (trên In-tơ-nét) bị giết hại. Đồng chí có thể cho biết, nguyên nhân nào dẫn đến việc động vật hoang dã bị săn bắn, buôn bán ráo riết như hiện nay?
Đồng chí Đỗ Quang Tùng (ĐC ĐQT): Với điều kiện về địa hình, khí hậu và thủy văn phong phú, Việt Nam là một trong những nước có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới, với hơn 11.400 loài thực vật bậc cao đã được thống kê và là nơi trú ngụ của 322 loài thú, 397 loài bò sát, 181 lưỡng cư, hơn 900 loài chim, 120 nghìn loài côn trùng và 700 loài cá nước ngọt, 2.458 loài cá biển đã được xác định.
Tuy nhiên, để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế trong những năm qua, nhiều sinh cảnh rừng tự nhiên là nơi trú ngụ của động vật hoang dã bị chia cắt là một trong những nguyên nhân chính tác động sự tồn vong và phát triển bền vững của nhiều loài động vật hoang dã. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng động vật, thực vật hoang dã để làm thuốc, thực phẩm và làm cảnh ở nước ta có từ lâu đời, cho nên việc săn bắn, buôn bán trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi, làm cho nhiều quần thể động vật hoang dã bị suy giảm nghiêm trọng, như hổ chỉ còn dưới 50 cá thể, voi dưới 100 cá thể, v.v.
Gần đây xảy ra vụ việc một nhóm thanh niên đăng ảnh giết hại cá thể voọc chà vá chân xám lên in-tơ-nét đã bị cộng đồng mạng và xã hội lên án gay gắt. Những hành động như vậy cần được nghiêm trị theo đúng pháp luật. Điều đó cho thấy, hoạt động tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về lĩnh vực này của các cấp, các ngành có liên quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong công tác đấu tranh với các hành vi xâm hại loài hoang dã.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến thực trạng nói trên là lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm chế độ quản lý động vật hoang dã còn gặp nhiều khó khăn về biên chế, trang thiết bị và những điều kiện cần thiết khác để thực thi pháp luật. Hiện nay, trung bình trên toàn quốc mỗi nhân viên kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý hơn một nghìn ha rừng, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa thì khó có thể bảo đảm việc bảo vệ rừng tận gốc được.
PV: Ngày 23-7, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) ra thông cáo báo chí, có trích dẫn nội dung bản báo cáo “Đánh giá việc tuân thủ và thực hiện cam kết CITES về hổ, tê giác và voi “, trong đó nêu: “Việt Nam là một trong các quốc gia có việc thực thi đáng lo ngại nhất, với thẻ mầu đỏ đối với hai loài tê giác và hổ “… Đồng chí có bình luận gì về báo cáo nói trên?
ĐC ĐQT: Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam luôn trân trọng, đánh giá cao những thông tin, đề xuất và góp ý kiến của các tổ chức quốc tế để không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Báo cáo về “Bảng điểm đánh giá tội phạm loài hoang dã – Đánh giá về tuân thủ và thực thi các cam kết của CITES đối với hổ, tê giác và voi ” của WWF đã nêu hiện trạng và chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tội phạm về loài hoang dã; đưa ra phương pháp cảnh báo mới kèm theo những kiến nghị để tăng cường thực thi CITES đối với các loài hổ, tê giác và voi. Tuy nhiên, về phương pháp tiếp cận và một số đánh giá của báo cáo còn thiếu khách quan, có phần còn chưa chính xác và WWF cũng không tham vấn với CITES Việt Nam trong quá trình xây dựng báo cáo này. Đặc biệt, báo cáo bỏ qua những đánh giá về nỗ lực thực thi của chính phủ các nước.
Việc tuân thủ và thực thi các quy định của CITES luôn được Việt Nam coi trọng thực hiện, như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và không ngừng tăng cường các biện pháp đấu tranh với nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tại Thông báo số 2012/036 ngày 18-4-2012 của Ban thư ký CITES quốc tế về Pháp luật quốc gia để thực thi Công ước, thì Việt Nam vẫn đang được xếp trong nhóm một, là những nước có hệ thống pháp luật bảo đảm thực thi CITES.
Cách thức xếp mầu không có tiêu chí rõ ràng, chỉ đưa ra nhận định chung chung rồi đánh giá một cách thiếu khách quan, thí dụ: Việt Nam được cho là điểm đến cuối cùng của sừng tê giác, nên xếp vào mầu đỏ. Cách tính điểm cho rằng nước nào càng có nhiều vụ bắt giữ càng là nước có nguy cơ cao và bỏ qua nỗ lực của lực lượng thực thi pháp luật. Như vậy, không khuyến khích các cơ quan thực thi pháp luật ngăn chặn và bắt giữ các vụ buôn bán trái phép đông vật hoang dã. Ngoài ra, nguồn dữ liệu cũng không chính xác. Thí dụ: tại Việt Nam từ năm 2000 đến 2012 bắt giữ liên quan tới hổ với chưa đầy 50 cá thể, nhưng báo cáo lại cho rằng trong giai đoạn 2000 – 2011, Việt Nam bắt giữ hơn 100 cá thể và cho điểm nguy cơ cao nhất.
Một trong những mục tiêu ưu tiên mà Việt Nam đang tăng cường triển khai thực hiện là phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong đấu tranh với nạn buôn bán trái phép các loài hoang dã thông qua Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật về loài hoang dã (Việt Nam – WEN) được thành lập từ năm 2010, nhưng báo cáo lại cho rằng thiếu cơ chế phối hợp liên ngành.
Việc đánh giá Việt Nam không thực hiện đầy đủ Nghị quyết số 12.5 (Bảo tồn và buôn bán hổ và các loài mèo lớn châu Á thuộc Phụ lục I) là hoàn toàn thiếu khách quan, vì theo các quy định hiện hành, Việt Nam nghiêm cấm hoàn toàn các hành vi xâm hại hay buôn bán tất cả các loài thuộc Phụ lục I của CITES, trong đó có hổ. Các trại nuôi hổ của Việt Nam luôn được quản lý, giám sát thường xuyên và chặt chẽ.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới trong việc bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta?
ĐC ĐQT: Hiện nay, các hoạt động đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, hải quan, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, v.v. Để có sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan thực thi pháp luật, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán loài hoang dã (Việt Nam – WEN) với nhiệm vụ chính là chỉ đạo các hoạt động phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế, đấu tranh chống các hành vi vi phạm về quản lý động vật, thực vật hoang dã. Kế hoạch hoạt động năm 2012 của Việt Nam – WEN đã được thông qua từ đầu năm với các hoạt động chính như: thông tin, tuyên truyền về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã; nâng cao nhận thức cho các nhà kinh doanh, sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về những tác hại của việc buôn bán, sử dụng trái pháp luật đối với động vật, thực vật hoang dã; đề xuất các biện pháp đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về buôn bán động vật, thực vật hoang dã; tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi; điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã qua biên giới, v.v.
Hiện nay, còn một bộ phận người dân bị ảnh hưởng văn hóa truyền thống về săn bắt và sử dụng loài hoang dã làm lương thực, thú nuôi và làm thuốc; lợi nhuận mang lại từ hoạt động buôn lậu loài hoang dã là rất lớn; nguồn lực và năng lực của đội ngũ thực thi về bảo vệ loài hoang dã hạn chế và chế tài xử lý loại tội phạm này vẫn chưa đủ sức răn đe, cũng như ý thức bảo vệ các loài hoang dã của người dân còn thấp. Điều đó cho thấy công tác đấu tranh với tình trạng buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã sẽ còn gặp nhiều khó khăn thách thức trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Theo Nhandan
Ý kiến ()