Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế tập trung nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn cầu, nhất là ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những nghiên cứu tổng thể về nhiễm khuẩn bệnh viện, nhưng một số nghiên cứu cắt ngang cho thấy số ca bệnh do nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng 6% trong tổng số ca bệnh, trong đó tập trung nhiều là viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ… Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa kiểm soát nhiễm khuẩn là một ưu tiên, với việc ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm tăng cường năng lực, như thiết lập hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn từ trung ương đến các bệnh viện; tăng cường sự phối hợp giữa y tế dự phòng và hệ điều trị trong phòng, chống dịch bệnh; tăng cường chất lượng quản lý khám bệnh, chữa bệnh… Đến nay, cả nước đã có 611 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký cam kết tham gia chiến dịch “Bảo vệ sự sống hãy vệ sinh tay”; 668 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký cam kết thực hiện phong trào “Bệnh viện vệ sinh”…
Tuy vậy, thực tế còn nhiều khó khăn. Không ít lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác này, dẫn đến chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác này. Một số bệnh viện đưa ra hình thức kỷ luật đối với nhân viên y tế làm việc ở các bộ phận khác bằng cách điều chuyển về làm việc tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Hiện cả nước vẫn còn tới 36% số lãnh đạo khoa kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về chuyên ngành này, trong đó chủ yếu là ở bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực miền núi… Đặc biệt, phần lớn nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo cơ bản về kiểm soát nhiễm khuẩn và hầu hết các bệnh viện chưa bảo đảm được tỷ lệ một nhân viên giám sát/150 giường bệnh.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa hoàn thiện, khi cả nước còn 8,9% số bệnh viện chưa thành lập hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn; 15,1% số bệnh viện chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 33% số bệnh viện đã thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng chưa bổ nhiệm trưởng khoa; vẫn còn gần 20% số lãnh đạo khoa/tổ kiểm soát nhiễm khuẩn có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ học… Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức: 39,7% số bệnh viện không có đủ tối thiểu một buồng cách ly đúng quy định ở các khoa lâm sàng; 46,5% số bệnh viện không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn. Đặc biệt, nhân lực về kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu, phần lớn nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách; 49,1% số nhân viên mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Tại các cơ sở đào đạo chưa có hệ thống và chương trình đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các trường thuộc khối ngành khoa học sức khỏe; chưa có giáo trình quốc gia chuẩn để đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn…
Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Cùng với đó là việc xúc tiến thành lập Hội đồng tư vấn, xây dựng chính sách, tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; bổ sung và hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình kỹ thuật và các tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật thực hành về kiểm soát nhiễm khuẩn…
Theo Nhandan
Ý kiến ()