Kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 4556/BNN-QLCL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Đề án kiểm soát ngăn chặn tạp chất.
Nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất, trong tháng 4/2017, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Kết quả thanh tra cho thấy, một số địa phương (Bạc Liêu, Cà Mau) đã triển khai rất tích cực các nhiệm vụ được giao tại Đề án như: xây dựng Kế hoạch triển khai; tổ chức ký cam kết cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng như sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu chính quyền địa phương cấp huyện tổ chức ký cam kết trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc vi phạm tạp chất trên địa bàn.
Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn chưa tổ chức ký cam kết cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm cũng như chưa tích cực triển khai các hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm triệt để theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án và tiếp theo văn bản số 1580/BNN-TTr ngày 22/2/2017 về đề nghị thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt và chỉ đạo, bố trí nguồn kinh phí đủ để triển khai Kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh, thành phố; đảm bảo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ của địa phương được Thủ tướng giao trong Đề án. Báo cáo định kỳ trước ngày 25 hàng tháng về Bộ NN&PTNT (qua Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, email: [email protected]).
Ngoài ra, đề nghị UBND các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang khẩn trương chỉ đạo thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm tạp chất cho các cơ quan chức năng có liên quan; công bố, niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm ký cam kết với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương về việc không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất, trong đó có nội dung cam kết về việc kịp thời tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm về tôm có tạp chất.
Chỉ đạo công an tỉnh tổ chức rà soát, thu thập đầy đủ các thông tin trinh sát về vi phạm đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vào sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất làm cơ sở để tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đột xuất. Bên cạnh việc duy trì các hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên, chỉ đạo tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất, đặc biệt là trong các tháng cao điểm khan hiếm nguyên liệu tôm./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()