Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Chuyển biến tích cực từ một đề án
– Những năm qua, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai có hiệu quả. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của tỉnh đã từng bước được khống chế, dần ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Ngày 17/1/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đề án được triển khai với mục tiêu khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình (giữa) tuyên truyền, phát tờ rơi cho người dân về không lựa chọn giới tính thai nhi
Sau khi Kế hoạch 13 được ban hành, ngành dân số từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện. Giai đoạn 2017 – 2020, đề án đã được triển khai tại 135 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I và II của 11 huyện, thành phố. Các nội dung của đề án tập trung vào truyền thông vận động; xây dựng, thử nghiệm các mô hình; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi… 100% các huyện, thành phố đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án đến các xã, phường, thị trấn. Thực hiện đề án này, toàn tỉnh đã thành lập được trên 100 câu lạc bộ (CLB) kiểm soát MCBGTKS, thu hút gần 5.000 thành viên tham gia. Các CLB được duy trì hoạt động, sinh hoạt 1 lần/tháng với các nội dung về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, MCBGTKS.
Chị Vi Thùy Chi, cán bộ chuyên trách dân số xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình cho biết: Được thành lập từ năm 2018, CLB kiểm soát MCBGTKS của xã gồm 12 thành viên. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt 1 lần/tháng để triển khai giải pháp truyền thông đến các thành viên như: tuyên truyền thực trạng MCBGTKS; không lựa chọn giới tính thai nhi… Qua đó, giúp tỷ số chênh lệch giới tính hằng năm trên địa bàn xã ở mức 105 bé trai/100 bé gái.
Từ năm 2017 đến nay, hằng năm, cơ quan dân số các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền lồng ghép về thực hiện đề án và Luật Bình đẳng giới được gần 4.000 buổi thu hút trên 65.000 lượt người tham gia; thăm được trên 5.400 gia đình, chủ yếu là gia đình sinh con một bề nữ để truyền thông về hệ lụy của MCBGTKS trong phát triển kinh tế – xã hội; truyền thông nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) được gần 300 buổi với trên 5.500 lượt người nghe…
Mặc dù từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2022 không có kinh phí thực hiện nhưng ngành dân số từ tỉnh đến cơ sở vẫn tiếp tục duy trì thực hiện đề án.
Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Sau khi hoàn thành đề án giai đoạn 2017 – 2020, ngành dân số toàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện đề án, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động. Đối với vấn đề kinh phí duy trì các CLB, các thành viên trong CLB đã chủ động vận động từ nguồn xã hội hóa để in tài liệu tuyên truyền, đồng thời, lồng ghép cùng các hội, đoàn thể địa phương để thực hiện các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, MCBGTKS…. Qua thực hiện và duy trì đề án, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 116,7 bé trai/100 bé gái (năm 2017) xuống còn 114,6 bé trai/100 bé gái (năm 2021), 8 tháng đầu năm 2022 là 114,3 bé trai/100 bé gái.
Ông Hoàng Văn Tạ, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Văn Quan cho biết: Giai đoạn 2017 – 2020, 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS, đã thành lập 6 CLB kiểm soát MCBGTKS tại 6 xã, thị trấn. Qua thực hiện, đề án đã giúp giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh từ 112 bé trai/100 bé gái (năm 2017) xuống còn 110 bé trai/100 bé gái, 8 tháng đầu năm 2022 giảm còn 102,4 bé trai/100 bé gái.
Với kết quả trên có thể thấy, đề án đã mang lại hiệu quả trong giảm MCBGTKS, đồng thời, góp phần thực hiện các chỉ tiêu như: giảm mức sinh; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên…
Tiếp nối hiệu quả mà đề án giai đoạn 2017 – 2020 đã đạt được, ngày 4/5/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, nâng phạm vi thực hiện đề án lên 200 xã, phường, thị trấn; phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có CLB kiểm soát MCBGTKS; tiếp tục khống chế và giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh từ 0,6 đến 0,7 điểm %/năm, phấn đấu đưa tỷ số này đạt dưới 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2025, tiến tới đạt 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. |
DƯƠNG KIM
Ý kiến ()