Kiểm soát hiệu quả việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN và PTNT), từ tháng 10-2015 đến nay, do kiểm tra, xử lý quyết liệt nên tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn diễn biến phức tạp. Các bộ, ngành chức năng cần nỗ lực hơn nữa mới có thể ngăn chặn triệt để vấn nạn này.
Những kết quả bước đầu
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2015 phát hiện có 2,5% (6/238 mẫu) thức ăn trong các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN), 3,5% (9/257 mẫu) TĂCN tại các cơ sở chăn nuôi có chất cấm. Đối với mẫu nước tiểu của lợn tại các trại chăn nuôi và “lò mổ” có 16,7% (109/654 mẫu) dương tính với salbutamol. Theo Thanh tra Bộ NN và PTNT, qua kiểm tra 662 mẫu TĂCN, mẫu nước tiểu của lợn ở một số tỉnh trong tháng 7 và tháng 8-2016 chỉ còn chín mẫu dương tính (chiếm 1,3%). Kết quả trên cho thấy, khi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quyết tâm vào cuộc, cùng sự tham gia tích cực của người dân, người chăn nuôi… thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dần được đẩy lùi. Một trong những cách làm hay là triển khai phong trào ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (CCTCN) tại 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau bốn tháng thực hiện (từ tháng 4 đến 8-2016), có hơn 300 nghìn hộ ký cam kết, bao gồm các hộ chăn nuôi, hộ thuộc đối tượng khác có liên quan (kinh doanh TĂCN, thuốc thú y và giết mổ gia súc, gia cầm). Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, trong quá trình triển khai, nhiều tỉnh đã có sự sáng tạo, làm tốt như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đồng Nai… Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, đây chỉ là thành quả bước đầu, nếu chúng ta lơ là thì “bệnh cũ” sẽ lại tái phát. Chính vì vậy, cần tiếp tục kiểm tra, giám sát thường xuyên mới có thể đạt kết quả bền vững, lâu dài.
Cần triệt tận “gốc”
Nhiều chuyên gia nông nghiệp có chung ý kiến, so với chất cấm, việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi phức tạp hơn bởi vì chất cấm chỉ có một số loại (salbutamol, vàng O…) còn kháng sinh có tới hàng chục loại khác nhau. Vừa qua, Thanh tra Bộ NN và PTNT kiểm tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh, đã tiến hành xử lý 18 công ty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 920 triệu đồng. Qua đây có thể thấy nguy cơ làm tăng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi và “nhờn” kháng sinh đối với vật nuôi vẫn còn nhiều tiềm ẩn. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với tồn dư kháng sinh hiện còn bất cập. Sau vấn đề chất cấm, Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chất kháng sinh và bảo đảm an toàn vệ sinh trong khâu giết mổ gia súc, gia cầm; đồng thời hướng dẫn cho người chăn nuôi phát triển các mô hình chăn nuôi theo chuỗi bảo đảm VSATTP.
Không chỉ trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, đối với nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Nhiều loại kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng được phát hiện lạm dụng tại công đoạn NTTS đối với cá nuôi (cá tra, cá rô phi, cá lóc), tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng)… Đơn cử như chất Chloramphenicol bị phát hiện lạm dụng trong cả nuôi trồng lẫn bảo quản khi lưu thông trên thị trường đối với thủy sản nuôi (tôm, cá), hải sản (cua, mực, bạch tuộc, ghẹ) trên phạm vi cả nước; phá vỡ cân bằng sinh thái, tác động xấu đến môi trường. Do chất lượng sản phẩm kém, tồn lưu các hóa chất, kháng sinh cấm ảnh hưởng giá trị xuất khẩu thủy, hải sản của nước ta ra thị trường thế giới.
Thời gian tới, để triệt tận “gốc” tình trạng nêu trên, đồng thời duy trì việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng sử dụng CCTCN, NTTS cần quyết liệt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, NTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất kháng sinh làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh cho người chăn nuôi, NTTS. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất, ban hành, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, kết nối sản xuất với chế biến, phân phối, phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thông qua việc giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, thường xuyên giám sát chương trình quản lý chất lượng để bảo đảm biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu. Xây dựng vùng nuôi, quy hoạch vùng nuôi theo hướng an toàn thực phẩm. Tăng cường quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống, chế phẩm sinh học, thức ăn…
Năm 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN và PTNT là xử lý rốt ráo việc sử dụng CCTCN, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, NTTS. Hy vọng với sự quyết tâm cùng những cách làm hiệu quả của các ngành chức năng, các địa phương sẽ kiểm soát được vấn nạn này một cách hữu hiệu, tiến tới giải quyết dứt điểm trong thời gian tới, bảo đảm cung cấp thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()