Kiểm soát hiệu quả hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài càng phổ biến hơn để mua bán, kinh doanh, trợ cấp người thân ở nước ngoài, hay đi du học, công tác… Tuy nhiên, việc kiểm soát và quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài qua hệ thống ngân hàng đang gặp nhiều thách thức.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại tọa đàm. |
Đó là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài qua hệ thống ngân hàng và các giải pháp kiểm soát hiệu quả”.
Tọa đàm do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận và thực hiện các giải pháp kiểm soát giao dịch thanh toán, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng, qua đó bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, thực tế thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp tổ chức và cá nhân lợi dụng, lừa đảo các ngân hàng để thực hiện các hành vi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với các phương thức như: sử dụng một bộ hồ sơ, chứng từ chuyển tiền nhiều lần tại cùng hệ thống ngân hàng và thực hiện chuyển tiền nhiều lần tại các ngân hàng khác nhau, lập hợp đồng, hóa đơn khống để chuyển tiền trái phép,…
Trước tình hình đó, ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân để các ngân hàng thống nhất thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Thị Vân Hoài cho biết, căn cứ quy định tại Thông tư 20/2022/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng đã giám sát chặt chẽ hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài, hạn chế các trường hợp lợi dụng chuyển tiền vượt mức quy định tại ngân hàng bằng các quy định kiểm soát giao dịch chuyển tiền thực hiện trong nội bộ của tổ chức tín dụng và kiểm soát giao dịch chuyển tiền thực hiện tại các ngân hàng khác nhau.
“Tuy nhiên, đối với các giao dịch thanh toán, chuyển tiền chuyển tiền một chiều ra nước ngoài thực hiện tại các ngân hàng khác nhau thì ngân hàng không thể kiểm soát được, vì hiện tại không có hệ thống quản lý chung toàn ngành ngân hàng. Các ngân hàng chỉ nhận diện trên cơ sở tiếp nhận nhu cầu của khách hàng, tư vấn kỹ cho khách hàng về trách nhiệm tuân thủ quy định quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, nhất là hạn mức tối đa được chuyển khi đề nghị ngân hàng chuyển tiền”, bà Nguyễn Thị Vân Hoài chia sẻ.
Cũng từ thực tiễn triển khai, đại diện các tổ chức tín dụng cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước để hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài được kiểm soát hiệu quả hơn nữa, như: xây dựng hệ thống kết nối thông tin dữ liệu thanh toán và giám sát tập trung đối với hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của cá nhân bao gồm các thông tin giao dịch; phối hợp Tổng cục Hải quan sớm xây dựng hệ thống cung cấp bổ sung thông tin bằng tờ khai hải quan điện tử; ban hành quy định, hướng dẫn chung về danh mục hồ sơ chứng minh mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú; bổ sung quy định, hướng dẫn về giao dịch chuyển tiền của cá nhân có nhiều quốc tịch…
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn phát biểu tại tọa đàm. |
Tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Đào Xuân Tuấn đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng cũng như của các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, ông Tuấn nhấn mạnh, Thông tư 20/2022/TT-NHNN ban hành đã thống nhất, tích hợp các quy định liên quan đến hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân và các giao dịch vãng lai khác, góp phần giữ thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá ổn định, thu hút nhà đầu tư.
Cùng với đó, ông Tuấn đề nghị Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục phối hợp, phát huy vai trò là cầu nối giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng; đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư 20/2022/TT-NHNN, bảo đảm việc thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài được thực hiện đúng mục đích, chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Nguồn: https://nhandan.vn/kiem-soat-hieu-qua-hoat-dong-thanh-toan-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-post762983.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()