Kiểm soát hàng lậu trên tuyến đường sắt: Vẫn còn kẽ hở
LSO-Thời gian qua, các cấp ngành chức năng của tỉnh đã rất tích cực và kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên tuyến đường sắt. Nhưng trong “cuộc chiến” này có một sự “lỏng” của của luật và quy định trong vận chuyển hàng hóa trên đường sắt. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng lậu trên đường sắt.
Lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ hàng nhập lậu |
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn trung bình một năm có khoảng 30.000 tấn hàng tiêu dùng được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó, số lượng được vận chuyển bằng đường sắt chiếm 50%. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại của luật thì hàng hóa nhập khẩu được niêm phong, kẹp chì nguyên toa vận chuyển đến ga trong nội địa mới làm thủ tục hải quan (theo như Luật Hải quan của Việt Nam thì chủ hàng có thể mở tờ khai ở cơ quan hải quan gần nhất), đó là kẽ “hở” để các đối tượng buôn lậu “lách” nhằm trách sự kiểm soát của lực lượng chức năng ngay tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Báo cáo tại cuộc họp sơ kết công tác chống buôn lậu 6 tháng đầu năm 2013 vừa qua, ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, việc để các toa hàng thâm nhập sâu vào nội địa là một lỗ hổng lớn, vì rất có thể khi hàng nhập khẩu là hàng khác so với tờ khai hải quan (cơ quan hải quan không thể kiểm tra hàng hóa có đúng tờ khai hay không do đó là hàng chuyển quan), cũng như số lượng không đúng so với vận đơn thì làm thất thu một lượng khổng lồ tiền thuế đối với nhà nước.
Với cơ chế hiện nay, khi hàng hóa đến cửa khẩu, hải quan tại cửa khẩu của Lạng Sơn chỉ kiểm tra vận đơn và cho thông quan. Nếu là trong đó là hàng cấm hoặc hàng hóa vi phạm thì cũng không thể phát hiện để loại bỏ tại cửa khẩu. Nếu như vào sâu trong nội địa rồi mới phát hiện thì lúc đó cũng quá muộn và việc giải quyết sẽ trở lên phức tạp hơn. Đây chính là một sự khó khăn trong việc triển khai chống buôn lậu của các cơ quan chức năng nói chung và ngành hải quan Lạng Sơn nói riêng. Tại cuộc họp sơ kết của chỉ đạo về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban 127) tỉnh vào cuối tháng 6 vừa qua, các thành viên Ban đều có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, việc để các toa hàng thâm nhập sâu vào nội địa là một lỗ hổng lớn trong công tác chống buôn lậu. Mặc dù từ mấy tháng qua, các lực lượng chức năng ở Hà Nội đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những toa hàng tiêu dùng nhập khẩu theo hình thức chuyển cảng từ ga Bằng Tường (Trung Quốc) về ga Yên Viên (Hà Nội – Việt Nam), nhưng theo các thành viên Ban 127 tỉnh, cần phải kiểm soát ngay từ cửa khẩu, ít nhất hàng thực tế trong toa là hàng gì, không chỉ kiểm tra trên vận đơn. Nếu vấn đề này không được làm rõ và kiểm soát chặt chẽ, vô hình chung tạo kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại công khai, trốn thuế. Về vấn đề này, Ban 127 tỉnh cũng đã có công văn đề nghị Ban chỉ đạo 127 Trung ương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2005/NĐ- CP ngày 15/12/2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan. Theo đó, toàn bộ hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện các thủ tục hải quan tại các chi cục hải quan cửa khẩu biên giới, trừ một số mặt hàng được nêu tại các điểm a, b, đ, e, g khoản 3, điều 18 Nghị định 54/2005/NĐ- CP.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu theo diện chính ngạch, các lực lượng chức năng cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc kiểm soát một số mặt hàng tiêu dùng nhập lậu mà các đối tượng buôn lậu trà trộn lên tàu tại những ga phụ. Lợi dụng tuyến đường dài hơn 150km từ Đồng Đăng – Hà Nội có nhiều ga phụ, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương thức là thuê cửu vạn hoặc hành khách mua vé đi tàu mang hàng xách tay (theo quy định, hành khách được mang theo tối đa 20 kg hành lý miễn cước) lên tàu – đây cũng là một kẽ “hở” khiến hàng lậu vẫn lên được tàu mà lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát. Trong số 709 vụ hàng nhập lậu mà các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trong 6 tháng đầu năm 2013 thì số vụ trên tuyến đường sắ, chiếm gần 20%. Điều này cho thấy, khi mà tuyến đường bộ bị kiểm soát quyết liệt thì các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng kẽ hở trên đường sắt để vận chuyển hàng lậu về các tỉnh phía sau.
Để kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng này, các, ngành cần phối hợp đồng bộ để đưa ra những cơ chế phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, các ga có nhận chuyên chở hàng hóa dọc tuyến đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội cần nghiêm chỉnh thực hiện việc hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường và bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan để phối hợp thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trên đường sắt.
Ý kiến ()