Kiểm soát điểm kinh doanh rượu, bia
Trên thị trường hiện nay, việc mua bán rượu, bia khá dễ dàng, thậm chí người sử dụng mua với số lượng nhiều vẫn có thể được đáp ứng. Tình trạng này đang gây những tác hại không nhỏ đối với trật tự an toàn xã hội, nhất là vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Những quy định tăng nặng mức xử phạt với hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông mới chỉ xử lý được phần ngọn, còn gốc của vấn đề là kiểm soát các điểm kinh doanh rượu, bia lại đang bị bỏ ngỏ.
Ở Việt Nam, các quán bia vỉa hè mọc nhiều như nấm, quán nào cũng đông nghịt thực khách. |
Trên thị trường hiện nay, việc mua bán rượu, bia khá dễ dàng, thậm chí người sử dụng mua với số lượng nhiều vẫn có thể được đáp ứng. Tình trạng này đang gây những tác hại không nhỏ đối với trật tự an toàn xã hội, nhất là vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Những quy định tăng nặng mức xử phạt với hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông mới chỉ xử lý được phần ngọn, còn gốc của vấn đề là kiểm soát các điểm kinh doanh rượu, bia lại đang bị bỏ ngỏ.
Tràn lan bia, rượu
Theo thống kê tại Việt Nam, hằng năm có hơn 8.000 người tử vong vì TNGT, trong đó có tới 40% nguyên nhân xuất phát từ việc uống rượu, bia. Vào những dịp lễ, Tết, tỷ lệ này tăng vọt tới 70%. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, hiện nay, các quy định của pháp luật về kinh doanh rượu, bia đã tương đối đầy đủ nhưng việc thực hiện còn hạn chế, nhất là trong quản lý rượu. “Khi có quy hoạch, chúng ta sẽ xác định được trong không gian đô thị có bao nhiêu điểm kinh doanh, nhà hàng bán rượu, bia. Ngay trong trung tâm thương mại sẽ có quy định bao nhiêu diện tích dành cho ăn uống có bán rượu, bia” – Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng khẳng định.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc kinh doanh và sử dụng bia, rượu được kiểm soát rất gắt gao. Ở Anh quy định người từ 18 tuổi trở lên mới được phép mua rượu, bia. Tại Mỹ, những địa điểm nào được phép bán bia, rượu được quy định rõ ràng. Chẳng hạn, ở công viên, không được phép uống bia, rượu, còn ngồi ngoài đường phố, ai cầm một lon bia đã bật nắp sẽ bị phạt tới 500 USD và có thể ngồi tù ba tháng. Ở Thụy Điển, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các sản phẩm có chứa nồng độ cồn dưới 3,5 độ ở mức 12%, nồng độ cồn hơn 3,5 độ là 25%. Vào hai giờ sáng các ngày trong tuần, các quán bia, rượu bắt buộc phải đóng cửa, những người say rượu phải tự tìm tới điểm dừng xe buýt gần nhất hoặc đi ta-xi về nhà. Người dân Thụy Điển muốn mua bia, rượu đều phải xuất trình chứng minh nhân dân.
Nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam nhận xét, không ở đâu mua rượu, bia dễ và rẻ như ở Việt Nam. Không đâu có tỷ lệ nam giới, giới trẻ uống rượu, bia nhiều như Việt Nam. Rượu là mặt hàng bị cấm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, có nghĩa đó là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần được quản lý, do liên quan sức khỏe con người, trật tự an toàn xã hội. Để “lách luật”, người ta thường thấy tại các quán nhậu, các hãng rượu, bia (cả tây và ta) sử dụng các cô gái trẻ đẹp tiếp thị, mời mọc thực khách sử dụng thử sản phẩm rượu, bia của hãng mình. Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt cũng cho rằng, hiện nay, tình trạng người dân tự nấu rượu diễn ra tràn lan và cơ quan chức năng chưa quản lý được. Việc quản lý bán rượu, bia, nhất là rượu đang trở thành vấn đề hết sức cấp thiết. Bên cạnh đó, rượu lậu, rượu giả trốn thuế tràn lan cũng gây hại đến sức khỏe người dân nhưng chưa được xử lý triệt để.
Siết chặt quy định về kinh doanh, sử dụng rượu, bia
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu cán bộ, công chức không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết, theo các nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu và chiến lược chính sách y tế cũng như của nhiều chuyên gia, người Việt Nam hiện nay đứng trong “tốp đầu” về uống rượu, bia trên thế giới, ước tính mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, chưa kể rượu. Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc, không cứ buổi tối, thậm chí sáng, trưa, bất kể lúc nào đều có thể uống rượu. Lâu dần, uống bia, rượu trở thành một thứ “văn hóa” tràn lan ở nhiều nơi.
Hiện nay, tỷ lệ lái xe sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ngày càng tăng ở mức báo động. Các nghiên cứu cho thấy, uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ hưng phấn, chạy xe tốc độ cao. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10% đến 30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ,… tăng mức độ rủi ro và TNGT. Bên cạnh đó, lạm dụng rượu, bia, gây ra hậu quả thiệt hại khủng khiếp về kinh tế. Mỗi năm thế giới mất đi 1.500 tỷ USD, còn ở Việt Nam, rượu, bia làm “bốc hơi” 250 tỷ đồng/ngày, trong khi TNGT do rượu, bia gây thiệt hại 2,9% GDP/năm.
Theo Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng, lạm dụng rượu, bia quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh, hành động mất kiểm soát, nhất là hành vi tham gia giao thông khi nồng độ cồn vượt quá mức cho phép và nguy cơ dẫn đến TNGT cao. Hiện nay, các quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ nhưng việc thực hiện còn hạn chế, nhất là trong quản lý rượu. Ngoài một số trường hợp sản xuất rượu giả mới đây bị xử lý thì rất hiếm tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt do không thực hiện đúng quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh rượu theo Nghị định 94. Vì thế, cần có định hướng thực hiện quy hoạch những khu vực, địa điểm kinh doanh uống và bán rượu, bia. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần phải siết chặt quản lý việc người dân tự nấu rượu; tuyên truyền, phổ biến cho người dân nhận thức được việc sử dụng rượu, bia đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc và giáo dục cho người dân lẫn người thực thi công vụ chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT.
Nghị định 94 của Chính phủ đã quy định rõ điều kiện sản xuất, kinh doanh rượu, bia cụ thể, chặt chẽ. Tổ chức, cá nhân phải bảo đảm đủ điều kiện, mới được phép kinh doanh rượu, bia. Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nghiêm quy định này, tổ chức tốt thanh, kiểm tra xử lý vi phạm. Người dân cần thực hiện nghiêm nguyên tắc “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()