Kiểm soát chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả
Mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 đã lên tới khoảng 5,3% GDP, vượt chỉ tiêu kế hoạch 4,8%GDP như Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 đã lên tới khoảng 5,3% GDP, vượt chỉ tiêu kế hoạch 4,8%GDP như Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Thu NSNN năm nay cũng chỉ ước đạt 96,9% dự toán khiến bài toán bảo đảm cân đối NSNN càng trở nên nan giải. Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn từ NSNN là trách nhiệm lớn đối với toàn bộ hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN).
Gánh nặng chi ngân sách
“Sẽ gạn hết các nguồn có thể, kiểm soát thật tốt mới có thể phấn đấu không để vỡ kế hoạch ngân sách” là tâm tư của Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh Nguyễn Văn Minh. Không lo sao được, khi Quảng Ninh là địa bàn thu ngân sách lớn thứ năm trong cả nước với tổng dự toán thu vào khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng hiện tại, số thu được mới đạt 23 nghìn tỷ đồng, đạt 67% dự toán, trong đó, chủ yếu thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 13 nghìn tỷ đồng, đạt gần 68%, còn số thu nội địa mới được gần 15 nghìn tỷ đồng, đạt 66% dự toán. Với tốc độ thu này, Quảng Ninh là tỉnh có số thu không đạt tiến độ, cũng là “trọng điểm” của nỗi lo hụt thu NSNN năm nay.
Giống như Quảng Ninh, công tác thu NSNN năm 2013 tại TP Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi chỉ còn gần hai tháng nữa là kết thúc năm ngân sách. Theo Giám đốc KBNN Hà Nội Ðào Thái Phúc, số thu nội địa của thành phố dự kiến sẽ hụt thu khoảng 23 nghìn tỷ đồng. Nếu so sánh thuần túy con số thì riêng số hụt thu này của Hà Nội đã bằng số thu NSNN của mấy chục tỉnh có số thu nhỏ gộp lại. Ðến hết tháng 9, số thu ngân sách của TP Hà Nội mới đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, bằng 56% dự toán. Tại TP Hải Phòng, với tiến độ thu cũng chỉ ở mức trung bình, năm nay đã là năm thứ hai, thành phố này đối mặt với khả năng thu rất khó khăn, đến mức “không dám khẳng định mà chỉ có thể dùng từ phấn đấu” như sự trao đổi đầy tâm trạng của nhiều cán bộ ngành tài chính các địa phương.
Trong khi thu NSNN sụt giảm thì nhu cầu chi NSNN vẫn liên tục tăng. Không chỉ nhu cầu chi đầu tư phát triển (ÐTPT) mà nhu cầu chi thường xuyên (chi cho quốc phòng, an ninh; chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, dân số, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế, quản lý hành chính…) cũng luôn ở mức tăng trưởng nóng. Chín tháng đầu năm, trong điều kiện thu NSNN khó khăn nhưng NSNN luôn bảo đảm nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán, bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2013 và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh… Cả năm nay, tổng chi ước đạt 100,08% dự toán, bội chi khoảng 5,3% GDP. Mức bội chi NSNN này đã vượt trần Quốc hội phê duyệt từ đầu năm.
Mất cân bằng trong thu chi NSNN, cơ chế quản lý luôn được đổi mới theo hướng siết chặt… đã khiến việc triển khai các giải pháp quyết liệt để bảo đảm nguồn vốn cho các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán dồn gánh nặng lên vai KBNN các cấp. Vụ trưởng Kiểm soát chi KBNN Vũ Ðức Hiệp cho biết, là khâu cuối cùng trong vòng quay của đồng vốn nên mọi hệ quả của quá trình đầu tư luôn trĩu nặng trên vai những người làm nhiệm vụ cân đối thu chi NSNN. Hết tháng 10 này, hệ thống KBNN ước giải ngân được 185 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (đạt 76% kế hoạch vốn năm), trong đó vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản (XDCB) là khoảng 119 nghìn tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch.
Ðối với công tác chi thường xuyên, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện ước đạt hơn 521 nghìn tỷ đồng, đạt 77% dự toán năm. Thông qua công tác kiểm soát, các đơn vị KBNN đã phát hiện hơn 62 nghìn khoản chi của hơn 27 nghìn lượt đơn vị chưa đúng quy định, tạm từ chối thanh toán gần 1.200 tỷ đồng, từ chối thực chi 11 tỷ đồng. “Có thể nói trong kiểm soát chi thường xuyên, KBNN các cấp đã thực hiện rất tốt. Chúng tôi có thể yên tâm về lĩnh vực này vì các khoản chi đều được kiểm soát theo đúng dự toán đã được phê duyệt, không lo vỡ dự toán. Cái lo của KBNN là ở lĩnh vực kiểm soát chi ÐTPT” – Vụ trưởng Vũ Ðức Hiệp nói.
Cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết
Chi ÐTPT nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì vốn đầu tư từ NSNN sẽ thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Ðây chính là nguyên nhân dẫn tới lạm phát. Tại các địa phương mà chúng tôi đến, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư NSNN năm nay đã bảo đảm tốt tiến độ, bám sát số chi trong dự toán. Giám đốc KBNN Vĩnh Phúc Phí Văn Tăng cho biết, đến giữa tháng 10, Vĩnh Phúc đã giải ngân được gần 7.500 tỷ đồng, đạt 78,55% dự toán. Tại KBNN TP Hải Phòng, một trong những đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao trong toàn hệ thống, Phó Giám đốc Lê Thanh Phương cho biết, số vốn đầu tư XDCB mà KBNN Hải Phòng đã giải ngân là hơn 2.300 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch và tăng 130% so cùng kỳ. Cùng với Vĩnh Phúc, Hải Phòng, nhiều địa phương cũng có tỷ lệ giải ngân bám sát dự toán, hoàn thành với tỷ lệ cao như: Nam Ðịnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa.
Vụ trưởng Vũ Ðức Hiệp cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước, việc giao kế hoạch vốn được thực hiện sớm hơn đã giúp các đơn vị thụ hưởng có cơ sở triển khai, phân bổ kế hoạch vốn sớm. Do phần lớn kế hoạch vốn đều ưu tiên bố trí cho các dự án đã hoàn thành và chuyển tiếp nên các đơn vị thụ hưởng đã chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện, đôn đốc tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng và phối hợp KBNN thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, nhất là trong thực hiện các thủ tục đầu tư theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì chủ động được trong phối hợp công tác của cả kho bạc lẫn chủ đầu tư và cấp ủy, chính quyền các cấp nên trong quá trình điều hành chi NSNN năm nay, vướng mắc, tồn tại rất ít. Giám đốc KBNN Quảng Ninh Trần Xuân Tuấn phân tích: “Ðồng vốn ngày càng ngặt nghèo, lại đứng trước khả năng hụt thu NSNN cao, KBNN càng phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN, sao cho vừa hoàn thành công tác ngành giao, vừa bảo đảm nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ðây là bài toán khó cho KBNN Quảng Ninh. Tuy nhiên, chặt chẽ nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu quả của đồng vốn cũng như tiến độ công trình”.
Về phía các chủ đầu tư, Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường Hải Phòng Trần Huy Vĩnh nhận xét: “Do dự án của chúng tôi được thực hiện từ nguồn tài trợ của đối tác quốc tế nên yêu cầu kiểm soát vốn lại càng gắt gao hơn, nhưng nhờ sự chủ động từ phía kho bạc và các cấp, các ngành nên cho đến nay, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư của chúng tôi là an toàn và hiệu quả”. Cũng chung nhận định này, Giám đốc Ban quản lý các dự án công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Bảy cho biết, với nhiệm vụ quản lý, điều hành các dự án hạ tầng với số vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, Ban quản lý dự án rất ý thức trong công tác thanh quyết toán và ứng vốn theo quy định mới. Các quy định theo Chỉ thị 1792 không chỉ tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn đầu tư từ NSNN mà còn giúp các đơn vị thụ hưởng bỏ được nhiều thủ tục rườm rà, thực hiện tốt hơn các quy trình thanh quyết toán.
Thực tế hoạt động điều hành kiểm soát chi NSNN cho thấy, hiện tại, so với dự toán, trên cả hai lĩnh vực chi thường xuyên và chi ÐTPT, công tác kiểm soát chi của hệ thống KBNN đang được vận hành trôi chảy. Tuy nhiên, với việc tăng tỷ lệ bội chi NSNN so với kế hoạch và huy động NSNN khó khăn, công tác kiểm soát chi NSNN đang đứng trước những thử thách mới. Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà cho biết, nguồn thu NSNN từ hoạt động của ngành thuế và hải quan về cơ bản chỉ đạt mức đã công bố, trong khi mức tăng chi sẽ thêm 20 nghìn tỷ đồng nữa thì công tác kiểm soát chi càng phải chặt chẽ hơn. “Chắc chắn, hệ thống KBNN sẽ phải yêu cầu các đơn vị thụ hưởng sắp xếp, ưu tiên thứ tự các khoản chi và phải công khai việc sắp xếp, ưu tiên này. Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác kiểm soát chi, cũng như các chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ NSNN phải thật sự thông cảm, chia sẻ với nhà nước, từ đó chủ động tất cả các khâu quản lý và kiểm soát NSNN (từ lập dự toán, phân bổ dự toán đến cấp phát, thanh toán, hạch toán và quyết toán NSNN). Nhiệm vụ chi nào cắt giảm được thì phải cắt từ đầu nguồn, tránh đến khâu thanh toán và kiểm toán lại phải bỏ ra. Và KBNN sẽ kiên quyết mạnh mẽ cắt giảm để bảo đảm cân đối NSNN”, Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà khẳng định.
Có thể nói năm 2013 thật sự là năm vất vả của ngành tài chính nói chung, của KBNN nói riêng. Bước vào những tháng cuối năm, thời kỳ cao điểm của công tác kho quỹ nhà nước, toàn bộ hệ thống KBNN đang tiếp tục tăng tính chủ động, tích cực phối hợp cơ quan tài chính, các sở, ban, ngành để tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định, quy trình. Trong giai đoạn này, cần có những giải pháp đặc thù, vừa bảo đảm vốn đầu tư phát triển được giải ngân kịp thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng bảo đảm hiệu quả để không gây nguy cơ lạm phát cao trở lại. Chi thường xuyên cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để tiết kiệm NSNN, tránh lãng phí, thất thoát. Hiện KBNN đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN cho tất cả cán bộ làm công tác kiểm soát chi NSNN trong toàn hệ thống KBNN nhằm phổ biến, quán triệt những nội dung lưu ý trong kiểm soát, thanh toán, đặc biệt là về quy trình, nội dung kiểm soát cam kết chi NSNN, một nội dung mới trong quá trình thực hiện kiểm soát chi NSNN được triển khai, thực hiện từ tháng 6-2013.
Theo Nhandan
Ý kiến ()