Kiểm soát chặt việc đóng mới tàu cá theo quy hoạch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) cho biết, thời gian qua, việc quản lý khai thác thủy sản, bảo đảm cho người, tàu cá hoạt động trên các vùng biển vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng tai nạn tàu cá xảy ra nhiều, tàu cá đóng mới không theo quy hoạch còn phổ biến..., vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Vì vậy, nhằm quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển; hướng tới khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả, Bộ NN và PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc đóng tàu cá theo quy hoạch, tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận cho phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo dưới mọi hình thức. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo đúng quy định…
* Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thời gian gần đây, tình hình sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhanh, phức tạp. Tại bờ biển tây, tình trạng sạt lở đang diễn ra nhanh, ở mức nguy hiểm, có nguy cơ phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn khu dân cư ven đê với chiều dài 57 km. Ở các vị trí sạt lở, đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, một số đoạn không còn rừng. Riêng đối với bờ biển phía đông, qua khảo sát hiện có 48 km bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm và 24,5 km sạt lở ở mức độ rất nguy hiểm. Trung bình mỗi năm, bờ biển của Cà Mau sạt lở khoảng 450 ha; nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản của hơn 260 nghìn hộ dân. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài 22.667 m và tổng mức đầu tư hơn 640 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở đê biển với chiều dài 6.687 m. Hiện, tỉnh Cà Mau rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương để có thể thực hiện dự án xây dựng kè tạo bãi, trồng rừng phòng chống sạt lở bờ biển… với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.
Bờ biển Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC CHÁNH
* Tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa quyết định hỗ trợ 30 tỷ đồng từ nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương cho các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn để khắc phục thiệt hại do mưa lũ.
* Để hỗ trợ nhau trong đi biển, ngư dân tỉnh Quảng Nam đã thành lập các tổ, đội đoàn kết thuộc các nghiệp đoàn nghề cá. Định kỳ sau mỗi chuyến đi biển xa trở về, các tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ, thuộc nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đều tổ chức gặp mặt thuyền trưởng, thuyền viên để trao đổi kinh nghiệm, xử lý sự cố máy móc, dò tìm luồng cá những tình huống phát sinh trên biển… Cũng tại các buổi gặp mặt, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc phát triển ngành nghề khai thác hải sản xa bờ, phổ biến những quy định của pháp luật để người dân áp dụng trong quá trình làm ăn trên biển.
* Theo Cục Kiểm lâm, hiện nhiều địa phương có khả năng xảy ra cháy rừng, nhất là các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bắc Giang… Tại tỉnh Điện Biên, Mường Tùng là một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện Mường Chà, với hơn 6.300 ha rừng tự nhiên và gần 130 ha rừng trồng. UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền tổ chức cho người dân, các chủ rừng ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại tỉnh Gia Lai, Ban Quản lý rừng phòng hộ xã Nam, huyện Kbang quản lý hơn 6.800 ha rừng. Ngoài lực lượng chữa cháy chuyên trách, địa phương đã xây dựng nhiều lực lượng chữa cháy rừng gồm hàng trăm người.
Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều tổ máy bơm cùng lực lượng ứng trực tại những khu vực có nguy cơ cháy cao từ hơn một tháng nay, công tác trực thông tin, quan sát, luồn rừng được thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Tại TP Châu Đốc (An Giang), mùa khô trùng với “Tháng Du lịch” có hoạt động chính là Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Nhiều người dân đốt hương, vàng mã tại lễ hội dễ gây cháy rừng. Một mặt thường xuyên nhắc nhở khách du lịch, mặt khác, các lực lượng chức năng của địa phương thường xuyên túc trực, canh gác, chủ động phòng, chống cháy rừng.
Tại tỉnh Bạc Liêu nắng nóng liên tục kéo dài khiến cho mực nước trong hệ thống kênh, mương tại khu vực Vườn chim Bạc Liêu ngày càng cạn kiệt, nhiệt độ trung bình tại khu vực luôn ở mức 35 đến 38oC. Do đó, Ban quản lý rừng đã chủ động, triển khai người, phương tiện, sẵn sàng ứng cứu hiệu quả khi tình huống xảy ra.
* Tỉnh Thanh Hóa hiện có 88.161 con lợn nái, 255.984 con lợn thịt. Chia sẻ khó khăn với hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã mua hàng nghìn tấn thịt lợn cho nông dân. Kiểm tra tình hình chăn nuôi lợn ở Thanh Hóa, Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) đánh giá cao những giải pháp của tỉnh trong chỉ đạo doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lợn sữa, lợn thịt; giảm giá thức ăn chăn nuôi; đề nghị các ngân hàng tạo vốn vay lãi suất thấp, giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi; đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn như đưa thịt lợn vào cơ cấu bữa ăn tại bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp có nhiều lao động.
* Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, dự báo, hôm nay 15-5, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan tiếp tục có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()