Kiểm soát chặt thực phẩm lưu thông trên thị trường
Đội QLTT số 3 thực hiện kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm bánh kẹo trên địa bàn thị trấn Lộc Bình
– Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao. Nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường, các ngành chức năng tập trung kiểm soát chặt thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Theo số liệu báo cáo từ cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng, chỉ trong nửa tháng đầu năm 2024, qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với 82 cơ sở kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo tại các huyện, thành phố, đã phát hiện 67 cơ sở, cửa hàng vi phạm. Trong đó, số cơ sở vi phạm về hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc chiếm 52,8% tổng số cơ sở vi phạm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch cao điểm về kiểm tra VSATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, lãnh đạo cục đã chỉ đạo các đội QLTT thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với những loại thực phẩm được bày bán trên thị trường như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng hộp, các loại bánh, kẹo, rượu… Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, lực lượng QLTT còn triển khai biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt thông tin, từ đó thực hiện kiểm tra đột xuất những cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm cho hành vi cất giữ, kinh doanh, chế biến các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Đơn cử như Đội QLTT số 1, chỉ trong 15 ngày đầu của tháng 1/2024, qua kiểm tra VSATTP đối với 12 cơ sở trên địa bàn phụ trách, đội đã phát hiện 5 cơ sở vi phạm về hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, bán hàng không đảm bảo các điều kiện an toàn VSATTP.
Ngoài lực lượng QLTT, thời điểm này, các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm được chế biến, bày bàn tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm DVNN thành phố Lạng Sơn thực hiện đóng dấu kiểm tra điều kiện VSTY thực phẩm tươi sống tại chợ Giếng Vuông
Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi Cục ATVSTP tỉnh cho biết: Thị trường thực phẩm trên địa bàn tỉnh càng gần đến tết càng phong phú, với nhiều nguồn cung ứng thực phẩm khác nhau, bên cạnh mặt tích cực thì điều này cũng khiến việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường càng trở nên khó khăn. Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh và các huyện, thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024. Theo đó, bắt đầu từ 20/12/2023, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã, đang tập trung kiểm tra vào các nhóm sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn,… nhằm kịp thời ngăn chặn nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm lưu thông đến tay người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê nhanh từ các đoàn kiểm tra, từ 4/1/2024 đến hết ngày 15/1/2024, qua kiểm tra 38 cơ sở kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn, các đoàn kiểm tra đã xử phạt 14 cơ sở vi phạm về hành vi kinh doanh, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, kinh doanh thực phẩm nhập lậu.
Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh, các loại bánh kẹo trên thị trường, thực hiện chỉ đạo của UBND các huyện, thành phố, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố cũng đã, đang tăng cường nhân lực để thực hiện kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của gia súc, gia cầm trước khi đưa vào các cơ sở giết mổ; cắt cử cán bộ hỗ trợ cán bộ phụ trách lĩnh vực của các xã, phường trong kiểm tra các sản phẩm giết mổ lưu thông tại các chợ trên địa bàn nhằm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm tươi sống trước khi lưu thông trên thị trường.
Hiện tại, các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kiểm soát, giám sát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường trước khi đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy vậy, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người tiêu dùng cần nâng cao kỹ năng lực chọn thực phẩm, chỉ mua những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và mua ở những cơ sở kinh doanh uy tín. Đặc biệt, dịp tết, người tiêu dùng không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm để tránh tình trạng thực phẩm bị mất dinh dưỡng hoặc mốc, hỏng… dẫn đến nguy cơ mất ATTP.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()